Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Sự khởi đầu chiến lược Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương trong thời đại mới

Sự khởi đầu chiến lược Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương trong thời đại mới

TTXVN (Singapore 26/6): Trang mạng Trường Nghiên cứu quốc tế RSIS, Đại học Công nghệ Nam Dương, Singapore, mới đây đăng bài bình luận về tầm nhìn của Ấn Độ đối với chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của tác giả Rajeev Ranjan Chaturvedy, chuyên gia tại RSIS. Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là trọng tâm của chuyến thăm tới ba quốc gia Đông Nam Á của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi gần đây, sự khởi đầu của một chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong thời đại mới.

05:25 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Mặc dù cụm từ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mới được sử dụng gần đây trong tư tưởng chiến lược và các vấn đề quốc tế, nhưng thực ra, nó đã được bắt nguồn từ năm 1941. Giáo sư Kalidas Nag, Thư ký sáng lập của Hiệp hội Greater India đã viết: “Cuộc di cư quan trọng bậc nhất của những giống loài đầu tiên của thế giới được diễn ra trên một dải nước rộng lớn kéo dài từ Ấn Độ Dương tới Thái Bình Dương”. Giáo sư Nag cũng nhấn mạnh rằng, vai trò của Ấn Độ là hết sức quan trọng trong việc định hình văn hoá và tính dân tộc của khu vực này.

Chiến lược và lợi ích kinh tế

Câu chuyện về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thể hiện sự sẵn sàng của New Delhi trong việc đẩy mạnh can thiệp trong lĩnh vực hàng hải và sẵn sàng tham gia chủ động và tích cực trong việc định hình tình hình địa chính trị. Các nước Đông Nam Á và các cường quốc khác trong khu vực cũng sẵn sàng để Ấn Độ tham gia sâu rộng hơn nhằm tạo thế cân bằng với Trung Quốc. Vì vậy, có một sự hợp thức hoá giữa chiến lược và lợi ích kinh tế của Ấn Độ và các quốc gia Đông Nam Á cũng như các cường quốc khác trong khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương. Vậy còn những yếu tố nào khác thúc đẩy Ấn Độ đẩy mạnh sự hiện diện tại khu vực này?

Các yếu tố đằng sau chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Thứ nhất, tình hình địa chính trị hiện tại trong khu vực này đã trở nên phức tạp hơn rất nhiều với một Trung Quốc can thiệp tích cực và sâu rộng hơn tại các khu vực hàng hải cạnh Ấn Độ. Hơn thế nữa, Trung Quốc cũng đã bắt đầu thấy rõ lợi ích chính trị và bắt đầu chọn phe trong các vấn đề chính trị nội bộ của những quốc gia láng giềng hoặc gần Ấn Độ. Những diễn biến gần đây tại Nepal, Sri Lanka, Maldives, Bangladesh, Myanmar và Bhutan đã dấy lên những lo ngại rằng, Ấn Độ đã bị suy giảm ảnh hưởng so với Trung Quốc. Do đó, Chính phủ Ấn Độ thấy rõ việc cần phải thay đổi cách tiếp cận.

Thứ hai, do cách mà một số cường quốc trong khu vực thường xuyên ở tình trạng đối đầu và không thoả hiệp, việc tăng cường sự tham gia về cả kinh tế lẫn an ninh trong khu vực này của Ấn Độ được coi là yếu tố đem lại sự ổn định. Hơn nữa, tăng trưởng kinh tế và tiềm năng của Ấn Độ cũng làm cho cộng đồng quốc tế quan tâm mạnh mẽ hơn tới quốc gia này.

Thứ ba, việc Đông Nam Á đã tương đối thành công trong việc liên kết khối và hội nhập kinh tế trong bối cảnh toàn cầu hoá là những diễn biến tích cực cho tình hình của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Các thoả thuận thương mại trong khu vực và tác động của nó đối với Ấn Độ cũng rất quan trọng và cũng là tự nhiên khi Ấn Độ buộc phải tăng cường can thiệp vào khu vực này.

Cuối cùng, động lực tăng trưởng và chương trình phát triển của Chính quyền Modi cũng cần sự hợp tác tích cực từ các đối tác bên ngoài. Do đó, Ấn Độ cần các đối tác trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để thúc đẩy các chương trình hợp tác tăng trưởng.

Triển vọng cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Thứ nhất, về tự do hàng hải và hàng không: Ấn Độ có lợi ích to lớn trong việc duy trì tự do hàng hải tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và ông Modi đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của không gian biển tự do. Ấn Độ cũng nhấn mạnh sự tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ như là một yếu tố thiết yếu cho trật tự này, và sự bình đẳng giữa các quốc gia mà không tính đến sức mạnh hay diện tích của quốc gia đó.

Thứ hai, về giải quyết tranh chấp hoà bình: Ấn Độ ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp một cách hoà bình thông qua đối thoại, và phản đối việc sử dụng hoặc đe đoạ sử dụng vũ lực để giải quyết các yêu sách đối lập nhau. Ấn Độ nhấn mạnh việc duy trì hoà bình và ổn định trong khu vực là điều thiết yếu.

Thứ ba, về tôn trọng luật pháp quốc tế: Ấn Độ nhấn mạnh việc giải quyết các tranh chấp hoà bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), nhấn mạnh sự cần thiết phải có một quy tắc ứng xử chung để có thể tiếp cận bình đẳng dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế trong việc sử dụng không gian chung trên không và trên biển.

Thứ tư, về hệ thống thương mại mở và ổn định: Ấn Độ ủng hộ một môi trường thương mại dựa trên luật lệ mở, cân bằng và ổn định cho khu vực; nhấn mạnh sự cần thiết cách tiếp cận cân bằng giữa thương mại, đầu tư và dịch vụ, điều mà sẽ tạo nên sân chơi bình đẳng cho mọi quốc gia.

Thứ năm, về phát triển bền vững nguồn tài nguyên biển: Ấn Độ muốn trở thành quốc gia tiên phong trong việc thúc đẩy nền kinh tế xanh như là một nguồn tăng trưởng kinh tế toàn diện chính cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thông qua việc khai thác bền vững nguồn tài nguyên biển. Thủ tướng Modi nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường các nghiên cứu về biển, phát triển các cơ sở công nghiệp biển thân thiện với hệ sinh thái, áp dụng công nghệ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Thứ sáu, về an toàn và an ninh hàng hải: Ấn Độ tìm cách tăng cường các kiến trúc an ninh hiện tại ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, điều hành bởi các cơ chế do ASEAN dẫn đầu và nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường hợp tác kỹ thuật chiến lược về an ninh hàng hải để nâng cao nhận thực về biển và môi trường biển.

Cuối cùng, về kết nối: Thúc đẩy tăng trưởng và thịnh vượng, Ấn Độ nhấn mạnh sự cần thiết của việc liên kết các quốc gia, cả về mặt địa lý lẫn kỹ thuật số, công nghệ, giữa con người với con người.

Nền tảng cho hợp tác biển

Kế hoạch Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Ấn Độ đã đặt nền tảng cho hợp tác hàng hải với các quốc gia duyên hải nối Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương, nhấn mạnh tầm quan trọng về địa lý và vai trò then chốt của ASEAN, và bản chất tất yếu về việc phải bao gồm cả Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cho hoà bình và ổn định.

Thủ tướng Modi cũng vạch ra các quy tắc và tiêu chuẩn phải được xây dựng thông qua đối thoại và sự đồng ý của các bên, nhấn mạnh rằng, “khi các quốc gia đưa ra các cam kết quốc tế, các quốc gia phải duy trì chúng”.

Một khuôn khổ toàn diện cho sự tham gia hàng hải của Ấn Độ tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương bao gồm việc tăng cường hợp tác an ninh với các nước láng giềng trên biển của Ấn Độ, xây dựng cơ chế hợp tác về an ninh hàng hải, tập trung vào việc phát triển kinh tế bền vững cho tất cả các quốc gia thông qua cơ chế hợp tác về kinh tế xanh, hợp tác với các cường quốc trong khu vực và cả ở bên ngoài nữa, bảo vệ lợi ích hàng hải của Ấn Độ.

Cộng đồng quốc tế đang dành sự quan tâm lớn cho những đóng góp của Ấn Độ vào hoà bình và ổn định trong khu vực, cùng chung sức xây dựng một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trên cơ sở một châu Á kết nối dựa trên các tiêu chuẩn, quy tắc và thông lệ quốc tế.

Nguồnhttps://vnanet.vn/vi/tin-tuc/thong-tin-tham-khao-1096/su-khoi-dau-chien-luoc-an-do-duong--thai-binh-duong-trong-thoi-dai-moi-238101.html

 

Nguồn:

Cùng chuyên mục