Sự phát triển, mục tiêu và lộ trình thực hiện chiến lược châu Á - Thái Bình Dương của Ấn Độ (Phần 5)
Wu Zhaoli*
III. Lựa chọn lộ trình thực hiện chiến lược Châu Á - TBD của Ấn Độ
Mục tiêu cơ bản của chiến lược Châu Á - TBD của Ấn Độ là thông qua việc hòa nhập toàn diện vào khu vực châu Á - TBD, đặt nền móng cho việc thực hiện mục tiêu cường quốc và xây dựng môi trường địa chính trị có lợi cho sự trỗi dậy trở thành cường quốc. Trước mắt, chiến lược này của Ấn Độ có nền tảng là sự hợp tác thực chất với trung tâm là việc nâng cao xây dựng thực lực của đất nước bằng phương thức xây dựng các cơ chế đối thoại và hợp tác song phương và đa phương, lấy khu vực châu Á - TBD làm khu vực quan trọng hàng đầu cho sự trỗi dậy toàn cầu. Từ thập niên thứ hai của thế kỷ XXI đến nay, đặc biệt sau khi Thủ tướng Modi lên nắm quyền, tư duy điều chỉnh và sâu sắc hóa chiến lược này của Ấn Độ trở nên rõ ràng hơn, lộ trình thực hiện cũng sáng hơn. Thông qua thực tiễn ngoại giao của nước này không khó nhận ra rằng, con đường Ấn Độ thực hiện chiến lược này bao gồm những phương diện dưới đây:
1. Thông qua chính sách “Láng giềng số 1” nhằm tái xây dựng địa vị chủ đạo ở khu vực Nam Á, làm vững chắc nền tảng mở rộng về phía Đông
Môi trường khu vực Nam Á ổn định là nền tảng để Ấn Độ tập trung mở rộng tầm ảnh hưởng đối với khu vực châu Á - TBD[1]. Giới chiến lược Ấn Độ phổ biến cho rằng, Ấn Độ phải vượt qua phạm vi địa lý, đồng thời đạt được địa vị phải có trên trường quốc tế thì phải giảm bớt các khác biệt với các nước làng giếng, tăng tiến lợi ích liên quan trong tiến trình phát triển của khu vực Nam Á[2]. Vào nửa sau nhiệm kỳ Chính phủ Liên minh đoàn kết tiến bộ, các học giả Ấn Độ kêu gọi thay đổi chính sách láng giêng nhằm có thể phản ánh được nhận thức chung các quốc gia trong việc xây dựng mối quan hệ với các nước láng giềng Nam Á, đồng thời cho rằng, bất luận chính phủ nhiệm kỳ tiếp theo thuộc liên minh nào thì việc tái xây dựng chính sách láng giềng là điều cần thiết[3].
Sau khi Modi lên làm thủ tướng, ông đã ưu tiên đặt chính sách đối ngoại ở Nam Á lên vị trí hàng đầu, nên chính sách các nước láng giềng Nam Á cũng được đội lên chiếc mũ “Chính sách láng giềng số một”[4]. Một đặc trưng quan trọng về chiến lược ngoại giao của Chính phủ Modi chính là xem các nước láng giềng Nam Á là sự đầu tư chiến lược chứ không phải là gánh nặng chiến lược. Modi đã mời lãnh đạo bảy nước láng giềng đến tham gia buổi lễ nhậm chức thủ tướng, sau đó lần lượt đến thăm các nước Bhutan, Nepal, Sri Lanka và Bangladesh, cốt lõi của triết lý ngoại giao láng giềng tích cực là một Ấn Độ lớn mạnh và ổn định có thể đảm bảo việc nước này giúp đỡ các nước láng giềng[5], và một môi trường khu vực ổn định, hài hòa và hữu nghị cũng là nền tảng để Ấn Độ thực hiện chiến lược Châu Á - TBD. Cho nên, trên nền tảng mở rộng viện trợ phát triển cho các nước láng giềng, Ấn Độ sẽ giải quyết vấn đề chủ yếu lâu nay ảnh hưởng đến quan hệ song phương với tư cách là điểm đột phá về chính sách “Láng giềng số 1”, nối lại Ủy ban Liên hợp Ấn Độ - Nelpan đã đình trệ 23 năm, nối lại đàm phán tranh chấp nghề cá với Sri Lanka, ký kết “Hiệp định trao đổi lãnh thổ” với Bangladesh đã bị Hạ viện gác lại 41 năm qua. Ngoài ra, Ấn Độ còn ra sức tăng cường cơ chế hợp tác Nam Á, cải thiện hiện trạng hợp tác khu vực với hy vọng thu được lợi ích từ trong cơ chế hợp tác và trao đổi hiệu quả.
2. Lấy “ngoại giao sức mạnh mềm” làm phương thức quan trọng thúc đẩy chiến lược Châu Á - TBD, dân chủ trở thành tài sản quan trọng của chính sách đối ngoại
Khác với sức mạnh cứng, Ấn Độ với nền văn hóa mang tính phổ biến thế giới, chính thể dân chủ và có truyền thống lãnh đạo các nước đang phát triển đã trở thành quốc gia có tương đối nhiều nguồn sức mạnh mềm[6], sở hữu kinh đô điện ảnh Bollywood, Yoga, Phật giáo và truyền thống triết học phong phú, cũng như các nhân vật nổi tiếng như Amartya Kumar Sen[7]. Từ đầu thế kỷ XXI đến nay, chính phủ Ấn Độ tích cực vận dụng sức mạnh mềm vào ngoại giao để thực hiện chiến lược quốc gia, tuy nhiên do dự kiên vào sức mạnh mềm quá cao, thiếu sự chống đỡ của sức mạnh cứng, cũng như sự định vị bản thân mơ hồ đã khiến Ấn Độ chưa thể phát huy hết mức nguồn sức mạnh mềm trong việc thực hiện chiến lược quốc gia[8]. Các học giả Ấn Độ cho rằng, sức mạnh mềm của nước này là một lá bài tốt để thúc đẩy mục tiêu chính sách ngoại giao, thông qua việc vận dụng sức mạnh mềm có thể chống đỡ cho các đề xướng chính sách ngoại giao vĩ mô như “Chính sách Hành động hướng Đông”, viện trợ phát triển cũng như quan hệ đối tác thương mại… Thủ tướng Modi cũng từng chỉ rõ rằng, với tư cách là một chiến lược quan trọng về đối ngoại và quan hệ ngoại giao, thời cơ Ấn Độ thực hiện tiềm năng sức mạnh mềm đã đến[9].
Tăng cường ngoại giao sức mạnh mềm, thúc đẩy Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua việc ra nghị quyết về “Ngày Yoga quốc tế” chính là những bước đi quan trọng của Chính phủ Modi trong việc tăng cường sức mạnh mềm Ấn Độ để thúc đẩy thực thi chiến lược quốc gia[10]. Trên thực tế, Yoga không phải là trọng điểm duy nhất của chiến lược sức mạnh mềm Modi. Phật giáo cũng là một công cụ của ngoại giao sức mạnh mềm này được Modi ứng dụng vào các hoạt động chiến lược với Nam Á, Đông Nam Á, Đông Á hay thậm chí với Nga. Ngoài ra, Ấn Độ với tư cách là quốc gia dân chủ lớn nhất ở châu Á đã gia nhập vào Qũy Dân chủ Liên hợp quốc (UNDEF) vào năm 2005, “giá trị quan dân chủ chung” cũng đã trở thành nguồn vốn chiến lược quan trọng trong việc xây dựng nên mối quan hệ song phương và ba bên về chính trị, kinh tế và an ninh trong quá trình Ấn Độ thực thi chiến lược châu Á - TBD. Trong thời gian Thủ tướng Modi viếng thăm các nước Bhutan, Nepal, Nhật, Mỹ, Myanmar, Úc, Fiji, Hàn Quốc và Mông Cổ, ông luôn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của dân chủ Ấn Độ, nhấn mạnh “dân chủ” khiến Ấn Độ trở thành đối tác hợp tác có giá trị trên thế giới[11]. (Xem tiếp phần 6)
Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ
[1] Danielle Rajendram, " Indian's New Asia Pacific Strategy: Modi Acts East"
[2] "Neighbourhood Views of India: South Asia Studies," Gateway House Research Paper No. 7, December 2012, p.6.
[3] Ramesh Ramachandran, "Time for Reshaping India's Neighbourhood Policy," Rediff, March 28. 2014
[4] Sunhash Kapila, "Neighbours First: Modi's Foreign Policy Mantra," Diplomatist Magazine, September 2014
[5] Jayanth Jacob, "Stronger India will be better for Bhutan, SAARC Nations: PM Narendra Modi," Hindustan Times, June 23, 2014
[6] Rohan Mukherjee, "The False Promise of India's Soft Power," Geopolitics, History and International Relations, Vol. 6, No.1, 2014, p.47.
[7] Amartya Kumar Sen (sinh ngày 03 tháng 11 năm 1933) là nhà kinh tế học, triết gia Ấn Độ. Năm 1998, ông được trao giải Nobel kinh tế bởi những đóng góp về: kinh tế phúc lợi, công trình về sự khan hiếm các nguồn lực, nguyên lý phát triển con người, những cơ chế nằm bên dưới sự nghèo nàn và lý thuyết về chủ nghĩa tự do chính trị. Ông là người Á châu đầu tiên và cũng là người châu Á ngoài Israel duy nhất được giải thưởng này.
[8] Rohan Mukherjee, "The False Promise of India's Soft Power," Geopolitics, History and International Relations, Vol. 6, No.1, 2014, p.53-55.
[9] "Indian should Realize Potential of Soft Power: PM Modi," Business Standard, February 23, 2015
[10] Ashok B. Sharma, "India and East Asia: PM Modi's Buddhist Diplomacy," Global Research, November 5, 2014.
[11] Raja Mohan, "Modi's Diplomacy: Yoga, Democracy, and India's Soft Power," The Indian Express, December 15, 2014.
* Viện Nghiên cứu Nam Á và Chiến lược Toàn cầu, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc.
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục