Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Sự trỗi dậy của Ấn Độ là một thực tế

Sự trỗi dậy của Ấn Độ là một thực tế

05:03 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Tại lễ kỷ niệm đánh dấu 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình đã lớn tiếng cảnh báo khi tuyên bố rằng những ai “dám ức hiếp, áp bức hoặc nô dịch Trung Quốc” sẽ “sứt đầu mẻ trán vì bức Trường Thành bằng sắt được xây bởi xương máu của hơn 1,4 tỷ người Trung Quốc”.

Trung Quốc đã đạt được những tiến bộ kinh tế to lớn trong vài thập kỷ qua và đó thực sự là một lý do để chúc mừng. Sự trỗi dậy về kinh tế và chính trị của Trung Quốc là câu chuyện lớn nhất trong thời đại chúng ta, định hình cách sống chúng ta, và mối quan hệ giữa các quốc gia. Dấu ấn của Bắc Kinh ở khắp mọi nơi, trong mọi lĩnh vực của nền chính trị toàn cầu.

Tuy nhiên, một điều quan trọng là phải nhận thức được những thách thức đi kèm với sự trỗi dậy của Trung Quốc: về cấu trúc, thể chế và quy tắc. Có nguyên do tại sao phần lớn thế giới đã ủng hộ phần lớn sự trỗi dậy của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ nay lại quay lưng lại với Trung Quốc. Cách thức Trung Quốc xử lý đại dịch Covid-19 trong giai đoạn đầu là một câu chuyện chưa thấy hồi cuối.

Việc đánh giá một cách điềm tĩnh về sự trỗi dậy của Trung Quốc và hậu quả của nó là điều cần làm ngay. Tương tự, đánh giá về Ấn Độ và vai trò của nước này trong nền chính trị toàn cầu cũng cần thiết khi mà việc đưa ra những so sánh sai lầm giữa Ấn Độ và Trung Quốc đang trở thành mốt mới ở nhiều nơi trên thế giới.

Xu hướng siêu giật gân hóa sự trỗi dậy của Trung Quốc và bác bỏ câu chuyện Ấn Độ là không có cơ sở và cũng không mang lại công lý cho hai nền văn minh vĩ đại, cũng như cho những người tin vào giá trị của các chuẩn mực dân chủ.

Những câu chuyện về sự trỗi dậy của Ấn Độ và Trung Quốc dựa trên giá trị riêng có của mỗi nước. Hai quốc gia này đều đã có những thành công và thất bại riêng. Ấn Độ không thể được so sánh với Trung Quốc vì sự trỗi dậy kinh tế của Trung Quốc bắt đầu sớm hơn nhiều trong khi Ấn Độ vẫn là một nền kinh tế đóng cửa cho đến đầu những năm 1990.

Trong khi Trung Quốc tranh thủ một cách nhất quán cán cân quyền lực đang thay đổi trong Chiến tranh Lạnh để mang lại lợi ích cho bản thân, thì Ấn Độ tiếp tục bàn luận về không liên kết. Nhưng bất cứ điều gì Ấn Độ đã thực hiện đều nằm trong khuôn khổ dân chủ. Chương trình cải cách kinh tế của Ấn Độ không phải là mệnh lệnh của một số chỉ huy cấp cao của đảng mà là kết quả của một quá trình tham gia tỉ mỉ của nhiều bên liên quan. Do đó, các lựa chọn của Ấn Độ nên được hiểu trong bối cảnh này.

Đối với nhiều người mà nói, việc Ấn Độ không đủ sức đối phó với làn sóng Covid-19 thứ hai và các dòng tít truyền thông liên quan đến Ấn Độ trên toàn thế giới dường như đã thổi bay, có lẽ là mãi mãi, thương hiệu toàn cầu của Ấn Độ. Nhưng điều quan trọng không kém là phải nhớ đại dịch khủng khiếp này bắt nguồn từ đâu.

Ngay cả khi chúng ta bỏ qua thực tế rằng, Ấn Độ đã kiềm chế làn sóng Covid-19 đầu tiên hiệu quả hơn nhiều so với một số quốc gia phát triển nhất trên thế giới - nhưng điều này chưa bao giờ được phản ánh trong các dòng tít truyền thông toàn cầu - thương hiệu toàn cầu của Ấn Độ không bao giờ dựa trên các hệ thống và quy trình hạng nhất đó.

Sự thâm hụt năng lực của Ấn Độ là một thực tế đã được thế giới chấp nhận, và thương hiệu của Ấn Độ được phát triển trong những năm qua luôn nói về sự sáng tạo của người Ấn Độ để làm nên những điều kỳ diệu bất chấp một bộ máy nhà nước phần lớn kém hiệu quả và không có năng lực. Ngoài ra, một điều cũng cần chỉ ra là, các quốc gia phát triển nhất vẫn tiếp tục phải vật lộn đối phó với Covid-19.

Trong khi đó Ấn Độ đã làm tốt hơn nhiều trong làn sóng đầu tiên, lúc đó nước này nổi lên như một nhà cung cấp dịch vụ y tế công cộng toàn cầu, đồng thời nỗ lực vượt qua làn sóng thứ hai trong thời gian kỷ lục. Trong vài tháng qua, Ấn Độ đã liên tục xây dựng năng lực y tế - đầu tiên là, thuốc cấp cứu, bộ dụng cụ PPE, v.v.. và sau đó là vắc xin.

Và Ấn Độ đã làm được điều đó không chỉ cho chính nước này mà còn cho các quốc gia láng giềng và bạn bè. Đối với tất cả những người bàn về sự chấm dứt hoặc bi quan về thương hiệu Ấn Độ, câu chuyện của nước này sẽ trở lại khá nhanh chóng. Và đó chính xác là lý do mà các cường quốc trên thế giới tiếp tục đặt cược vào Ấn Độ.

Trong một năm rưỡi qua, Ấn Độ một mặt đã vượt qua đại dịch Covid-19, mặt khác nó đẩy lùi sự gây hấn ở biên giới. New Delhi đi đầu trong việc huy động dư luận toàn cầu trong việc quản lý đại dịch khi hầu hết các quốc gia công nghiệp tiên tiến, bao gồm cả Mỹ, đang bận rộn hướng nội. Ngoài ra, New Delhi còn phải đối đầu với binh lính Trung Quốc ở biên giới.

Việc Ấn Độ đối đầu với Trung Quốc đã là một phần trong cục diện chiến lược của nước này trong nhiều năm nay. Ngay cả khi phương Tây nỗ lực lấy lòng Bắc Kinh, thì New Delhi vẫn thách thức Trung Quốc trên nhiều phương diện. Ấn Độ là quốc gia lớn đầu tiên công khai chỉ trích Sáng kiến BRI của Tập Cận Bình là một dự án cơ sở hạ tầng săn mồi.

Ngày nay, sự phê phán của New Delhi đã trở thành một phần của đồng thuận toàn cầu về BRI. Bất chấp sự phản đối quyết liệt của Trung Quốc, nếu không có sự hồi ứng nhiệt tình của Ấn Độ thì chẳng thể có sự chấp nhận về logic Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương từ Tây sang Đông. Và sự xuất hiện của Quad sẽ vẫn là một giấc mơ ban ngày nếu New Delhi không làm rõ các lựa chọn chính sách đối ngoại của mình.

Sự phản kháng toàn cầu chống lại Trung Quốc là thực tế chiến lược mới trong một thế giới được tái định nghĩa bởi Covid-19 và hậu quả của nó. Sự trỗi dậy của Trung Quốc vẫn đang diễn ra. Nếu Trung Quốc thực sự đã giành được vị trí của nó, lãnh đạo của họ sẽ không nói về việc các cường quốc nước ngoài sẽ bị "sứt đầu mẻ trán" nếu cố gắng ức hiếp hoặc gây ảnh hưởng đến đất nước.

Nếu không thể kiềm chế được sự trỗi dậy của Trung Quốc thì sự trỗi dậy của Ấn Độ vẫn sẽ tiếp tục với tất cả những thách thức mà một quốc gia dân chủ mở cửa với thế giới phải đối mặt. Ấn Độ và các chính sách của nó có thể được bạn bè và đối thủ phê bình một cách thoải mái và giới lãnh đạo Ấn Độ sẽ bàn luận đến việc “sứt đầu mẻ trán”.

Trải qua những dò dẫm và vấp ngã, một Ấn Độ dân chủ đảm nhận vai trò lãnh đạo toàn cầu xứng đáng sẽ tiếp tục là một trong những câu chuyện thú vị nhất của thời đại chúng ta. Điều này không có nghĩa là Trung Quốc sẽ không trỗi dậy; nó chỉ đơn giản có nghĩa là hai đánh giá sẽ phải được thực hiện khác thường lệ.

Trong một thế giới ngày càng nhận thức rằng không ai an toàn trừ khi mọi người đều an toàn, sự trỗi dậy của Ấn Độ sẽ tiếp tục thu hút sự chú ý toàn cầu ngay cả khi Trung Quốc tiếp tục trỗi dậy.

Nguồn: https://www.orfonline.org/research/indias-rise-is-a-reality/

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục