Tầm nhìn an ninh khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương: Quan điểm từ Ấn Độ (Phần 2)
Ấn Độ đang phản ứng với những diễn biến này theo nhiều cách.
Thứ nhất, từ quan điểm chiến lược, Ấn Độ đã xích lại với Mỹ. Sự tăng cường rõ rệt trong quan hệ Mỹ-Ấn Độ kể từ sau khi ký kết thỏa thuận hợp tác hạt nhân dân sự, việc đưa sự can dự song phương trong nhiều lĩnh vực khác nhau đi vào chiều sâu, sự tăng trưởng trong quan hệ quốc phòng song phương và sự nổi lên của Mỹ như là một nguồn cung cấp trang thiết bị và công nghệ quốc phòng lớn là những biểu hiện rõ ràng cho sự thay đổi vị trí địa chính trị của Ấn Độ trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Thứ hai, Ấn Độ đã theo đuổi việc can dự toàn diện với Trung Quốc dựa trên niềm tin rằng, có đủ không gian chiến lược ở châu Á để hỗ trợ sự trỗi dậy mang tính hiện tượng của Trung Quốc và sự trỗi dậy hơn nữa của Ấn Độ. Sự nổi lên đồng thời của Ấn Độ và Trung Quốc là một bước phát triển to lớn cần phải được xử lý một cách khôn ngoan và sáng suốt để hai nước có thể nổi lên mà không trở thành đối thủ. Để làm được điều này, mỗi quốc gia phải nhận thức được các “giới hạn đỏ” của nước kia và đảm bảo rằng, không bao giờ vượt qua những giới hạn đó.
Thứ ba, Ấn Độ đã phát triển quan hệ chiến lược chặt chẽ hơn với các nước lớn khác trong khu vực bao gồm Nhật Bản, Việt Nam và Úc. Những mối quan hệ ngày càng tăng này được dựa trên một sự hội tụ các quan điểm về các mối đe dọa phổ biến và những cơ hội ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Viện trợ phát triển chính thức của Nhật Bản cho Ấn Độ có thể được coi là một công cụ chiến lược được tạo ra nhằm giúp Ấn Độ tăng trưởng kinh tế như là một cường quốc ở châu Á. Cuộc đàm phán hiện nay với Nhật Bản về việc chuyển giao trang thiết bị và công nghệ phòng thủ có tiềm năng trở thành một cột mốc quan trọng trong việc phát triển quan hệ đối tác chiến lược của đôi bên, và cho chính sự phát triển của Nhật Bản với tư cách là một nước lớn.
Thứ tư, với “Chính sách hành động hướng Đông”, Ấn Độ đang hăng hái làm việc để tăng cường quan hệ với các nước ASEAN, cả song phương lẫn thông qua việc tích cực tham gia các diễn đàn đối thoại của ASEAN. Kết nối thực chất với ASEAN thông qua Myanmar và Thái Lan củng cố sự ưu tiên mà chính sách ngoại giao Ấn Độ gắn liền với việc hội nhập sâu hơn về kinh tế và quan hệ nhân dân gần gũi hơn với các nước láng giềng ASEAN của họ.
Cuối cùng, Ấn Độ tham gia một sứ mệnh dân tộc là xây dựng sức mạnh quân sự và năng lực của chính mình nhằm đối phó với các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống đang nổi lên trong khu vực.
Trong tương lai, có nhiều lựa chọn sẵn có cho tất cả các đối tác khu vực của Ấn Độ để đóng góp mạnh mẽ hơn cho lợi ích chung của một khu vực ổn định và an toàn. Trong trường hợp của Mỹ, điều quan trọng nhất là sự không nhất quán còn dai dẳng và việc thiếu một khuôn khổ chiến lược bao trùm trong chính sách của Chính quyền Trump đối với châu Á sẽ làm suy yếu các triển vọng cho sự ổn định và an ninh trong khu vực.
Thứ hai, Trung Quốc trước sau vẫn là nước hỗ trợ chiến lược cho Triều Tiên, từ đó làm suy yếu an ninh của Mỹ và các đồng minh của nước này là Nhật Bản và Hàn Quốc. Do đó, Mỹ phải đặt cơ sở cho các chính sách của họ đối với khu vực Đông Bắc Á dựa trên sự hiểu biết rằng, Trung Quốc chính là vấn đề và không thể là một phần của giải pháp.
Thứ ba, Mỹ và các đối tác của họ - Ấn Độ, Nhật Bản và Úc - cần phải cân nhắc các lựa chọn chính trị và quân sự để đối phó với một Trung Quốc quyết đoán và chưa thỏa mãn về lãnh thổ.
Thứ tư, để khôi phục cán cân sức mạnh toàn cầu và sự cân bằng khu vực ở Đông Bắc Á, Mỹ phải đảo ngược vòng xoáy đi xuống trong quan hệ Nga-Mỹ và ngừng đẩy Nga rơi sâu hơn vào “vòng tay” của Trung Quốc.
Thứ năm, Mỹ phải tự kéo mình thoát khỏi tâm trạng cô lập “hướng nội” hiện nay và thể hiện vai trò lãnh đạo trong các vấn đề toàn cầu từ kinh tế thế giới cho đến biến đổi khí hậu. Việc từ bỏ vai trò lãnh đạo trong những vấn đề như vậy sẽ làm suy yếu quyền lực mềm của Mỹ.
Trong trường hợp của Nhật Bản, sau chiến thắng lẫy lừng của Abe trong cuộc bầu cử ngày 24/10/2017, Lực lượng phòng vệ Nhật Bản phải tham gia một cách hiệu quả vào sự cân bằng khu vực ở Đông Bắc Á, ở Biển Đông cũng như ở Ấn Độ Dương. Để làm được điều này, Nhật Bản phải trở thành một quốc gia “bình thường” và tự giải phóng mình khỏi những kìm hãm do hiến pháp áp đặt mà trên thực tế làm hạn chế vai trò quân sự của họ với tư cách là một nước lớn.
Tương tự, Nhật Bản phải tiếp tục xây dựng dựa trên các cơ chế về thể chế cho phép nước này bán các trang thiết bị và công nghệ quốc phòng cho các nước lớn thân thiện như Ấn Độ nhằm tăng cường khả năng chống lại các mối đe dọa đang gia tăng đối với an ninh của họ.
Nhằm củng cố vị thế của mình trong cán cân sức mạnh ở khu vực Đông Bắc Á, Nhật Bản cần hăng hái theo đuổi một giải pháp cho vấn đề lãnh thổ phía Bắc với Nga trên cơ sở thỏa hiệp. Các tiền lệ trong lịch sử cho thấy những nỗ lực hiện nay nhằm đảm bảo việc trả lại đảo bằng cách đưa ra các ưu đãi kinh tế cho Nga có khả năng kết thúc trong thất bại liên tiếp.
Bất chấp liên minh với Mỹ, đã đến lúc Nhật Bản phải khẳng định mình trong khu vực như là một bên tham gia độc lập trong ngoại giao và quốc phòng. Các tuyên bố của Triều Tiên cho rằng, nước Mỹ lục địa nằm trong tầm với của tên lửa của nước này, nếu được đánh giá là chính xác, cuối cùng sẽ đặt ra câu hỏi về giá trị của sự răn đe kéo dài của Mỹ.
Về phần mình, Úc cần phải bớt lo lắng về những phí tổn ngắn hạn của việc đối đầu với Trung Quốc trong các vấn đề cụ thể của khu vực và lo lắng nhiều hơn về triển vọng trong trung và dài hạn là phải sống trong Pax Sinica (“nền hòa bình kiểu Trung Quốc”).
Một cách để giảm bớt lợi thế đòn bẩy của Trung Quốc trong các vấn đề kinh tế sẽ là đa dạng hóa các đối tác thương mại và đầu tư của Úc và giảm sự phụ thuộc quá mức vào xuất khẩu sang Trung Quốc.
Cùng với nhau, 3 mục tiêu khái quát dường như có tầm quan trọng đáng kể. Trước hết, là một phần trong chính sách “hành động hướng Đông”, Ấn Độ cần phải nỗ lực hội nhập sâu hơn nữa - về thương mại, kết nối, văn hóa và an ninh – với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Thứ hai, sự trỗi dậy của Trung Quốc đã phá thế vỡ cân bằng khu vực, và kết quả là khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương đã và đang chứng kiến một sự gia tăng căng thẳng và xung đột. Bằng cách hành động phối hợp với nhau, Mỹ và các cường quốc khu vực như Ấn Độ, Nhật Bản và Úc phải thúc đẩy Trung Quốc hướng tới công nhận hơn nữa tính chất đa cực ở châu Á và làm việc để tiết chế lợi thế đòn bẩy về địa chính trị và địa kinh tế của Trung Quốc trên toàn cầu và ở châu Á. Điều này đòi hỏi phải giảm mức độ phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế với Trung Quốc và đa dạng hóa các quan hệ đối tác thương mại, đầu tư và kinh tế nhằm khôi phục sự cân bằng địa kinh tế trong quan hệ với Trung Quốc.
Nhằm khôi phục hoàn toàn sự cân bằng sức mạnh trong khu vực và giảm căng thẳng ở Ấn Độ - Thái Bình Dương, Mỹ và các nước lớn trong khu vực cần phải sắp xếp lại các ưu tiên của họ và làm việc cùng nhau để tạo thế cân bằng trước sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Theo Nghiên cứu Biển Đông
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục