Tăng cường quan hệ chiến lược giữa Ấn Độ với Tiểu vùng sông Mekong
Mối quan hệ chiến lược ngày càng tăng với các quốc gia Mekong như Việt Nam và Myanmar cho thấy sự tin tưởng lẫn nhau ngày càng sâu sắc vào địa chính trị khu vực đang thay đổi nhanh chóng.
Cuộc tập trận hải quân chung được tiến hành ở Biển Đông giữa Ấn Độ và Việt Nam vào tuần trước sau hai cuộc gặp trực tuyến quan trọng. Thủ tướng Ấn Độ, Narendra Modi và người đồng cấp Việt Nam, Nguyễn Xuân Phúc, đã tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh ảo vào ngày 21 tháng 12; và cuộc gặp song phương giữa Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh và người đồng cấp Việt Nam, Đại tướng Ngô Xuân Lịch được tổ chức vào cuối tháng 11.
Mối quan hệ chiến lược ngày càng tăng của Ấn Độ với Việt Nam một lần nữa khẳng định xu hướng hợp tác an ninh của Delhi với các quốc gia trong tiểu vùng sông Mekong vẫn chủ yếu ở cấp độ song phương và khu vực. Ấn Độ đã phát triển quan hệ đối tác an ninh mạnh mẽ với các quốc gia Đông Nam Á ở cấp khu vực thông qua các tiến trình khác nhau do ASEAN dẫn dắt, bao gồm Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) hoặc Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM). Một khía cạnh không được chú ý nhiều trong quan hệ an ninh của Ấn Độ với tiểu vùng sông Mekong là hợp tác ở cấp tiểu vùng.
Tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến, Ấn Độ và Việt Nam đã nhất trí tăng cường quan hệ đối tác quốc phòng và an ninh bằng cách đẩy mạnh “các chương trình trao đổi quân sự, đào tạo và nâng cao năng lực giữa ba quân chủng và lực lượng bảo vệ bờ biển” và “tăng cường xây dựng quan hệ hợp tác trong ngành công nghiệp quốc phòng về hạn mức tín dụng quốc phòng của Ấn Độ được mở rộng cho Việt Nam”. Trước đó, Ấn Độ và Việt Nam đã ký một thỏa thuận triển khai về thủy văn tại cuộc họp song phương giữa các Bộ trưởng Quốc phòng.
Trong số các quốc gia Mekong, quan hệ quốc phòng và an ninh của Ấn Độ với Việt Nam và Myanmar mang khía cạnh địa chính trị mạnh mẽ trong bối cảnh Trung Quốc tỏ ra quyết đoán trong khu vực. Cả Việt Nam và Myanmar đều nỗ lực làm việc với Trung Quốc nhưng vẫn cảnh giác và áp dụng cách tiếp cận thận trọng. Việt Nam đã bị kẹt trong tranh chấp lãnh thổ hàng hải với Trung Quốc ở Biển Đông. Myanmar lo ngại về vai trò của Trung Quốc đối với đất nước và đang đa dạng hóa các lựa chọn chiến lược để giảm thiểu sự phụ thuộc vào nước láng giềng phương Bắc.
Ý nghĩa địa chiến lược của tiểu vùng sông Mekong đối với Ấn Độ có thể được nhìn nhận cả từ khía cạnh lục địa và hàng hải. Myanmar và Việt Nam có vị trí địa lý chiến lược trong tiểu vùng sông Mekong, cả hai đều có đường bờ biển dài ở Vịnh Bengal và Biển Đông.
Mặc dù cơ chế tiểu vùng như Hợp tác Mekong-Ganga (MGC), tồn tại - Ấn Độ thông qua cơ chế này cùng bắt tay với năm quốc gia trong tiểu vùng Mekong - nhưng tập trung vào hợp tác kinh tế-xã hội và văn hóa như kết nối, thương mại, du lịch, v.v. MGC có thể nghiên cứu các lĩnh vực hợp tác mới bao gồm các vấn đề an ninh phi truyền thống và tiềm năng cho sự hợp tác như vậy là rất cao. Tuy nhiên, không phải tất cả các thành viên của nhóm tiểu vùng đều có thể có cùng mục tiêu chiến lược về hợp tác an ninh tiểu vùng liên quan đến các vấn đề an ninh truyền thống.
Mặc dù vậy, vẫn có những cách sắp xếp khác có thể được khám phá. Ví dụ, hợp tác an ninh ba bên gồm Ấn Độ, Việt Nam và Myanmar, tập trung vào các lĩnh vực quốc phòng và an ninh như nâng cao năng lực, tập trận và huấn luyện chung, v.v. có thể là điểm khởi đầu. Có một số thuận lợi khi Việt Nam và Myanmar tham gia hợp tác an ninh ba bên như vậy.
Myanmar và Việt Nam có chung quan điểm chiến lược phù hợp với các tính toán chiến lược của Ấn Độ. Hai quốc gia Mekong cũng được hưởng mối quan hệ song phương thân tình được thúc đẩy không chỉ bởi lợi ích chiến lược chung của họ, mà còn bởi vì cả hai nước đều không phải chịu những căng thẳng song phương thường gặp giữa các nước láng giềng gần gũi trong tiểu vùng Mekong, bao gồm cả Thái Lan và Myanmar, liên quan đến các phong trào bất hợp pháp xuyên biên giới.
Mặt khác, vào tháng 11, Ấn Độ đã kết thúc phiên bản thứ hai của cuộc tập trận hải quân ba bên Ấn Độ, Thái Lan và Singapore (SITMEX-20) ở Biển Andaman. Loạt tập trận này đã được bắt đầu với “mục đích tăng cường sự tin cậy lẫn nhau và phát triển sự hiểu biết chung”. Chuỗi cuộc tập trận SITMEX có sự tham gia của Thái Lan, một thành viên của MGC.
Hơn nữa, nhóm tiểu vùng, Sáng kiến Vịnh Bengal về Hợp tác Kinh tế và Kỹ thuật Đa ngành (BIMSTEC) - nơi hai quốc gia Mekong, Myanmar và Thái Lan là thành viên - đã khởi xướng hợp tác an ninh tiểu vùng với cuộc tập trận quân sự BIMSTEC đầu tiên được tiến hành vào năm 2019.
Ấn Độ đã và đang tham gia vào hợp tác an ninh ba bên và tiểu vùng với các nước láng giềng, bao gồm cả với các quốc gia trong tiểu vùng sông Mekong. Mối quan hệ chiến lược ngày càng tăng với các quốc gia Mekong như Việt Nam và Myanmar cho thấy sự tin tưởng lẫn nhau ngày càng sâu sắc vào địa chính trị khu vực đang thay đổi nhanh chóng.
Nghiên cứu khám phá hợp tác an ninh ở các cấp độ khác nhau là phù hợp với lợi ích của New Delhi, hơn nữa các động lực phát triển của sức mạnh khu vực hiện nay tạo cơ hội cho Delhi xem xét một thỏa thuận như vậy với hai đối tác chiến lược trong tiểu vùng sông Mekong.
Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ
Nguồn: https://www.orfonline.org/expert-speak/strengthening-india-strategic-ties-mekong-subregion/
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục