Thách thức bốn bên Ấn Độ-Mỹ-Trung Quốc-Nga
Các ưu tiên của nhóm Bộ tứ (Quad) tập trung vào “củng cố pháp quyền, hàng hải và tự do hàng không, giải quyết hòa bình các tranh chấp, các giá trị dân chủ và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia và hỗ trợ cho các quốc gia nhỏ hơn trong khối ASEAN”, là một thông điệp rõ ràng và cảnh cáo Trung Quốc không nên phô trương sức mạnh quân sự trong khu vực, đồng thời chỉ ra những hạn chế trong sức mạnh của Trung Quốc ở châu Á. Nói cách khác, Biden đã đặc biệt thành công trong việc thúc đẩy chương trình nghị sự về châu Á của Mỹ. Thông cáo chung được đưa ra thận trọng để không kích động hoặc làm tổn thương Trung Quốc, vì một lý do đơn giản là tất cả bốn thành viên Quad đều có mối hợp tác làm ăn đáng kể với Trung Quốc, trong đó có những nước có hoạt động kinh tế trên 3 con số hàng tỷ USD với Trung Quốc.
Đối với Ấn Độ, họ có thể tạm an tâm không cần phải lo lắng về một cuộc chiến tranh đồng thời chống lại Trung Quốc và Pakistan, mặc dù quân đội Ấn Độ chắc chắn đang ở trong tình trạng báo động cao và kẻ thù sẽ không có bất kỳ cơ hội nào. Không có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc khá tức giận về việc bốn nước trên hợp tác tốt với nhau, vì Trung Quốc không thể phô trương sức mạnh quân sự của Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) ở châu Á theo cách dễ dàng như họ từng mong đợi, thậm chí khó có thể tấn công Đài Loan, nơi Trung Quốc coi là lãnh thổ của mình, một cách chính đáng và hợp pháp. Đây là trò chơi khó khăn mới đối với Trung Quốc, là trận chiến kéo dài giữa hai đối thủ đứng thứ nhất và thứ hai thế giới về sức mạnh kinh tế, một trận chiến sẽ không có người chiến thắng. Bài phát biểu đầy lạc quan của ông Biden tại Liên hợp quốc và bài phát biểu ít gây tiếng vang của ông Tập về những biện pháp ứng phó hòa bình, giữa những căng thẳng do thỏa thuận giữa Biden với Australia, làm gia tăng nguy cơ xuất hiện cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cho thấy rằng, không có giải pháp nào cho hòa bình nếu không có những thỏa thuận trên quy mô lớn toàn cầu. Các bên đang tránh tạo ra các cuộc khẩu chiến.
Các động thái thận trọng
Tuy nhiên, Ấn Độ cần phải hết sức thận trọng trong việc không quá lạm dụng hành động cân bằng mong manh này vì một số lý do, bao gồm cả lý do là Ấn Độ hiện là thành viên của các nhóm có Trung Quốc như BRICS và SCO. Mối quan tâm tới những bất ổn giữa Trung Quốc và Ấn Độ là chính đáng, do Ấn Độ có thể tiếp cận vũ khí công nghệ cao khi cần từ cả Nhật Bản và Mỹ. Nếu Trung Quốc gây áp lực lên Nga bằng sức mạnh tài chính và Nga cung cấp những vũ khí tối tân cho Pakistan và lực lượng ISI của Pakistan có thể gây rắc rối cho Ấn Độ bằng các cuộc tấn công khủng bố lẻ tẻ, thì hòa bình của Ấn Độ sẽ không còn nguyên vẹn. Nhưng Nga sẽ báo trước cho Ấn Độ nếu nước này dấn thân vào một cuộc phiêu lưu “tên lửa đạn đạo” như vậy. Nga thường tính toán chuẩn xác và không đưa ra những quyết định bốc đồng. Trên thực tế, Nga sẽ cố gắng hết sức để lấy lại tình hữu nghị của Ấn Độ và khó có thể buông Ấn Độ cho một nhóm thân Mỹ. Ngay cả ngày nay, Nga cũng rất do dự trong việc công nhận chính phủ Taliban và chờ động thái của Ấn Độ, mặc dù Nga có mối quan hệ hợp tác tốt đẹp với người Taliban. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố trong cuộc họp giao ban ngày 7/9/2021 rằng, Nga sẽ “giám sát Taliban rất cẩn thận”. Nga sẽ không bao giờ ủng hộ cách hành xử theo kiểu nguyên thủy của Taliban hay Pakistan. Nhưng Taliban và Pakistan có thể cùng liên tục gây ra các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào Ấn Độ. Với việc nhóm Quad hợp tác chặt chẽ và việc Biden bảo đảm mối quan hệ Ấn Độ-Mỹ. Với mong muốn có mối quan hệ hợp tác “mạnh mẽ hơn, gần gũi hơn và chặt chẽ hơn”, Thủ tướng Pakistan Imran Khan sẽ không dại gì đưa quân đội vào chiến dịch khủng bố chống Ấn Độ, vì Mỹ sẽ vận động các biện pháp trừng phạt kinh tế cứng rắn chống lại Pakistan. Thậm chí, có thể Trung Quốc sẽ không khuyến khích Pakistan gây hấn với Ấn Độ. Do đó, Ấn Độ dường như được yên trong trò chơi im lặng khá bí ẩn, nếu Thủ tướng Modi có thể khai thác tình hình này theo cách tốt nhất vì lợi ích quốc gia.
Tận dụng công nghệ cao
Cho đến nay chúng ta chỉ nghe và thấy những mỹ từ. Mặc dù các bên không chia sẻ các biện pháp công nghệ cụ thể nhưng đã có những liệu pháp để vực dậy các cơ sở hạ tầng của Ấn Độ. Ấn Độ cần đấu tranh mạnh mẽ với Mỹ và để các công ty điện tử vi mô của Mỹ đầu tư mạnh vào Ấn Độ, thay vì đầu tư cho Trung Quốc. Ấn Độ cần Mỹ đầu tư cho các lò phản ứng Chemical Beam Epitaxy (CBE), các lò phản ứng đa năng phức tạp, và các thiết bị tạo con chip, thiết bị ống nano và thiết bị GaN (Gallium Nitride). Cho đến giờ chỉ có Honeywell của Mỹ hợp tác với Tata của Ấn Độ. Những doanh nghiệp công nghệ mạnh như Motorola, Rockwell, Intel, GE, GM Microelectronics, v.v. đang ở đâu?
Nhật Bản sử dụng các kỹ thuật CBE tiên tiến có thể đầu tư vào Ấn Độ. Người Ấn Độ có khả năng học hỏi nhanh. Việc Ấn Độ được đưa vào nhóm Bộ tứ Quad là cơ hội đáng hoan nghênh để tiến lên về mặt công nghệ, thậm chí còn vượt xa Trung Quốc. Đó sẽ là câu trả lời chính đáng của phương Tây cho câu hỏi hóc búa “Trung Quốc có bất khả chiến bại?”. Một Ấn Độ mạnh mẽ, vượt trội về công nghệ so với Trung Quốc, là bảo đảm tốt nhất cho nền dân chủ được củng cố vững chắc trên toàn châu Á. Ấn Độ cũng có thể sản xuất hàng tiêu dùng công nghệ cao với giá rẻ như ở Trung Quốc, có thể thúc đẩy các quốc gia châu Á nhỏ hơn hoạt động tốt trong thị trường bùng nổ đang phát triển mà các nền kinh tế Mỹ và Nhật Bản có thể khai thác triệt để. Đừng quên, Ấn Độ là một quốc gia nói tiếng Anh. Thúc đẩy Ấn Độ sẽ mở rộng thị trường châu Á nói chung chứ không phải chỉ có lợi cho riêng bên nào.
Tác giả: George Chakko, phóng viên chuyên đưa tin Liên hợp quốc.
Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ
Nguồn: https://countercurrents.org/2021/09/the-india-u-s-china-russia-quadrilateral-challenge/
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Tư liệu Nghiên cứu Ấn Độ 04:00 12-12-2024
G20 và Cơ hội Mở Rộng Quan Hệ Ấn Độ - Mỹ Latinh
Tư liệu Nghiên cứu Ấn Độ 03:00 12-12-2024