Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Thỏa thuận tên lửa Ấn Độ với Philippines thay đổi quy tắc trò chơi

Thỏa thuận tên lửa Ấn Độ với Philippines thay đổi quy tắc trò chơi

Quốc gia Nam Á chuyển mình thành nhà cung cấp vũ khí giá cả phải chăng trên toàn cầu

05:22 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Sau nhiều năm đàm phán và không chắc chắn, Philippines và Ấn Độ đã hoàn tất hợp đồng tên lửa siêu thanh BrahMos được đánh giá cao. Với mức giá 375 triệu USD, nó đánh dấu một cột mốc quan trọng cho ngành công nghiệp quốc phòng đang phát triển của Ấn Độ, đặc biệt là khi cường quốc Nam Á cố gắng giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu vũ khí quy mô lớn.

Đối với Philippines, một đồng minh hiệp ước của Mỹ, thương vụ này là một thỏa thuận mua sắm quốc phòng lớn nhất trong nhiều năm, và là một bước quan trọng để phát triển kho vũ khí chiến lược của nước này. Đa năng và tương đối rẻ, BrahMos, có tầm bắn lên tới 290 km, có thể được triển khai từ tàu chiến, máy bay chiến đấu và tàu ngầm.

Nhưng tuy không thể là đối thủ với các khẩu đội tên lửa tối tân của Trung Quốc được lắp đặt dọc theo chuỗi các đảo nhân tạo ở Biển Đông - chưa kể đến công nghệ tên lửa siêu thanh thế hệ tiếp theo mới ra đời - thì thỏa thuận này thể hiện bước đầu tiên trong quyết tâm ngày càng tăng của Ấn Độ trong chính sách Hướng Đông. Cùng với việc tăng cường sản xuất quốc phòng, New Delhi đang phát triển công nghệ quốc phòng thế hệ tiếp theo với sự hợp tác của Nga, Nhật Bản và các cường quốc phương Tây trong khuôn khổ hợp tác quân sự ngày càng sâu rộng với các quốc gia tuyến đầu trên khắp Đông Nam Á.

Nhìn từ góc độ lịch sử, Ấn Độ có một mối quan hệ đầy trắc trở với Đông Nam Á, vốn thường xuyên bị bỏ bê chiến lược và xem nhẹ lẫn nhau.

Là quốc gia khởi xướng và dẫn dắt trong các cuộc đấu tranh chống thực dân ở châu Á, thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ, Jawaharlal Nehru, nhấn mạnh "quốc tịch chung" cho Ấn Độ và Đông Nam Á. Một thập kỷ sau, Nehru chủ động ủng hộ lời kêu gọi của nhà lãnh đạo Indonesia Sukarno về Phong trào Không liên kết toàn cầu, trái ngược với sự thái quá của ở cả Đông và Tây.

Sau đó là sự thức tỉnh đột nhiên của Konfrontasi, cuộc chiến của Indonesia chống lại Liên bang Malaysia non trẻ, trận chiến đã xé nát lớp vỏ đoàn kết trong khu vực.

Việc Singapore rời bỏ Malaysia sau đó càng khiến giới lãnh đạo Ấn Độ xa lánh, Nehru thậm chí coi Đông Nam Á là một nhóm "chính phủ Coca-Cola" không tuân thủ luật lệ, thân Mỹ, thiếu cả quyền tự chủ chiến lược và niềm tin về ý thức hệ.

Trong những thập kỷ tiếp theo, cùng với việc Ấn Độ củng cố vai trò lãnh đạo ở Nam Á và ngày càng nghiêng về Liên Xô, các quốc gia Đông Nam Á lại liên kết với Hoa Kỳ đã thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.

Bị Pakistan và Trung Quốc bao vây, và chịu những rắc rối kinh tế trong nước, Ấn Độ đã phung phí cơ hội hoàn hảo để nối lại quan hệ với ASEAN sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Một mặt, sự thận trọng chiến lược của Ấn Độ đã làm suy yếu những nỗ lực ban đầu nhằm xuất khẩu vũ khí tiên tiến sang các nước như Việt Nam. New Delhi cũng vẫn phụ thuộc đáng kể vào các hoạt động mua sắm quân sự của nước ngoài, trong đó Ấn Độ chiếm 10% tổng kim ngạch nhập khẩu quốc phòng toàn cầu từ năm 2016 đến năm 2020.

Trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ gia tăng với Trung Quốc, chính quyền Modi theo chủ nghĩa dân tộc đã từng bước đại tu định hướng chiến lược của đất nước bằng cách tăng cường hợp tác quốc phòng cấp cao, mở rộng triển khai hải quân trên khắp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và tăng cường xuất khẩu quốc phòng của Ấn Độ sang các quốc gia cùng chí hướng ở Đông Nam Á.

Năm 2018, Ấn Độ trở thành quốc gia thứ hai, sau Australia, đón tất cả các nhà lãnh đạo ASEAN, bao gồm cả Tổng thống Philippines, thân Bắc Kinh, Rodrigo Duterte, dự hội nghị thượng đỉnh song phương đặc biệt tại New Delhi. Trong cuộc hội đàm lịch sử, cả hai bên nhất trí không chỉ mở rộng quan hệ thương mại và đầu tư mà còn cả hợp tác quốc phòng, đặc biệt tập trung vào an ninh hàng hải.

Theo Tuyên bố Delhi, cả hai bên khẳng định cam kết "duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định, an toàn và an ninh hàng hải, tự do hàng hải và hàng không trong khu vực, cũng như các hoạt động sử dụng hợp pháp khác các vùng biển." Các phương tiện truyền thông Ấn Độ mô tả sự kiện này là "sự thể hiện quan trọng nhất" trong chính sách Hướng Đông của nước này, một bước ngoặt mở đường cho thương vụ BrahMos mang tính bước ngoặt với Philippines.

Với ý định phát triển khả năng răn đe tối thiểu chống lại Trung Quốc, Philippines hiện đang trong chương trình hiện đại hóa quân đội trị giá hàng tỷ đô la kéo dài 15 năm. Manila đặc biệt tập trung vào việc mua vũ khí chiến lược và tăng cường lực lượng hải quân và không quân đã bị bỏ quên từ lâu.

Trước đây chủ yếu dựa vào viện trợ quân sự của Mỹ, việc Philippines mua một số tổ hợp tên lửa hành trình BrahMos có thể chỉ là bước khởi đầu cho việc gia tăng hợp tác quốc phòng với các cường quốc thay thế như Ấn Độ. Các tên lửa này, một phần dựa vào công nghệ của Nga, đưa Philippines vào thế mạnh để có được BrahMos II, một dự án tên lửa siêu thanh hợp tác giữa Ấn Độ và Nga.

Đối với Ấn Độ mà nói, thương vụ BrahMos là một bàn đạp quan trọng để mở rộng xuất khẩu quốc phòng sang các quốc gia quan trọng khác trong khu vực, đặc biệt là Việt Nam và Indonesia, trong bối cảnh khu vực tích tụ vũ khí khổng lồ để đối phó với sự quyết đoán gia tăng trên biển của Trung Quốc. Được hỗ trợ bởi một tổ hợp công nghiệp-quân sự đang phát triển, Ấn Độ đặt mục tiêu nâng xuất khẩu quốc phòng lên 5 tỷ USD vào năm 2025, đặc biệt tập trung vào khối ASEAN.

Ấn Độ có tác động địa chính trị đáng kể đối với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Là quốc gia dẫn đầu toàn cầu về sản xuất vắc xin, Ấn Độ là thành viên chính trong nỗ lực của Bộ tứ nhằm chống lại các nỗ lực ngoại giao vắc xin của chính Bắc Kinh ở Đông Nam Á.

Tận dụng lực lượng lao động có tay nghề cao và giá cả phải chăng, Ấn Độ có thể dần dần chuyển mình thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu trong việc sản xuất các hệ thống vũ khí tương đối rẻ tiền và tự đặt mình vào vị trí mạnh mẽ để hỗ trợ các nỗ lực do Bộ tứ lãnh đạo nhằm trao quyền cho các quốc gia nhỏ hơn đang vật lộn với một Trung Quốc đang trỗi dậy. Sau nhiều thập kỷ bị đẩy ra rìa chiến lược, thỏa thuận BrahMos là một tàu phá băng quan trọng cho một kỷ nguyên mới của chính sách đối ngoại của Ấn Độ, trong đó các đối tác mới ở Đông Á và một Trung Quốc đang trỗi dậy là tiêu điểm.

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nguồn: https://asia.nikkei.com/Opinion/Indian-missile-deal-with-the-Philippines-is-a-game-changer

Nguồn:

Cùng chuyên mục