Thủ tướng Australia thăm Ấn Độ: Tham vọng kết nối toàn diện hai bờ Ấn Độ Dương
Mong muốn nâng cấp quan hệ giữa Ấn Độ và Australia không chỉ bị thúc bách của những chuyển biến nhanh chóng của tình hình khu vực mà còn bởi sự hội tụ lợi ích của hai nước về mặt chiến lược cũng như kinh tế.
Cùng với các chuyến thăm dồn dập tới Ấn Độ của Thủ tướng Ðức từ ngày 25-26/2, Thủ tướng Italy ngày 2-3/3, Thủ tướng Nhật Bản từ ngày 20-21/3 và các hội nghị quốc tế quan trọng do Ấn Độ đăng cai trong năm nay như Hội nghị Bộ trưởng Bộ tứ (Quad), các Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Ngoại giao G20 vào đầu năm nay và Hội nghị cấp cao G20 cuối năm nay, chuyến thăm Ấn Độ 4 ngày của Thủ tướng Australia Anthony Albanese từ ngày 8-11/3 chắc chắn nâng cao hơn nữa vị thế quốc tế của Ấn Độ.
Chuyến công du đầu tiên tới Ấn Độ của Thủ tướng Albanese kể từ tuyên thệ nhậm chức vào tháng 5/2022 có tầm quan trọng đặc biệt không chỉ đối với mối quan hệ của hai quốc gia cùng chia sẻ vùng biển Ấn Độ Dương, mà còn đối với xu hướng tập hợp lực lượng và trật tự khu vực.
Ý nghĩa của chuyến thăm không chỉ thể hiện qua đội ngũ hùng hậu tháp tùng Thủ tướng Albanese gồm các bộ trưởng và doanh nhân hàng đầu của Australia, mà còn qua lịch trình bận rộn của chuyến thăm. Bắt đầu bằng việc hai Thủ tướng thực hiện hoạt động ngoại giao cricket, xem trận chung kết giữa đội tuyển hai nước tại sân vận động mang tên Modi tại thành phố Ahmedabad ở bang Gujarat, quê hương của Thủ tướng Narendra Modi, và sau đó lên thăm tàu sân bay INS Vikrant do Ấn Độ tự chế tao, được đưa vào biên chế Hải quân Ấn Độ vào từ tháng 9/2022 và đang neo đậu tại cảng Mumbai, nơi ông tuyên bố Ấn Độ là đối tác an ninh hàng đầu của Australia.
Chặng dừng chân cuối cùng của Thủ tướng Albanese là thủ đô New Delhi, khi ông cùng với Thủ tướng Modi tiến hành Hội nghị thượng đỉnh thường niên lần thứ nhất giữa hai nhà lãnh đạo, cơ chế mà hai nước công bố từ năm ngoái.
Trọng tâm kinh tế và quốc phòng
Tại Hội nghị, Thủ tướng Modi và Albanese đánh giá hợp tác Ấn Độ-Australia phát triển mạnh mẽ kể từ thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện năm 2020, và nhất trí đẩy mạnh hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực thương mại và đầu tư, năng lượng tái tạo, công nghệ, giáo dục và văn hóa cũng như quốc phòng và an ninh.
Hai bên cũng thảo luận về việc giải quyết biến đổi khí hậu, hợp tác về năng lượng tái tạo, giáo dục và chuỗi cung ứng khoáng sản cùng nhiều vấn đề nóng trong khu vực và trên thế giới.
Tuyên bố chung đạt được trong chuyến thăm cho thấy trọng tâm hợp tác giữa hai nước là kinh tế và quốc phòng. Hai bên nhất trí đẩy nhanh đàm phán và sớm ký kết Hiệp định Hợp tác kinh tế toàn diện (CECA) vào cuối năm nay, nhằm phát huy hết tiềm năng và sự bổ sung đáng kể của hai nền kinh tế.
Australia có lợi thế so sánh về nguyên liệu thô, khoáng sản quan trọng và nghiên cứu đổi mới trong khi Ấn Độ có lợi thế về quy mô thị trường và chi phí sản xuất thấp, có thể dẫn đến kết quả hợp tác hiệu quả và cùng có lợi. Các cuộc đàm phán về thỏa thuận CECA bắt đầu vào năm 2011 nhưng bị bế tắc vào năm 2016 và được nối lại vào năm 2021 nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn.
Trong bối cảnh đó, năm ngoái hai nước đã ký kết Hiệp định thương mại và hợp tác kinh tế (ECTA) - một thỏa thuận thương mại tự do tạm thời mà Ấn Độ lần đầu tiên ký với một quốc gia phát triển trong một thập kỷ qua. ECTA có hiệu lực vào tháng 12/2022 và loại bỏ thuế đối với 96% hàng xuất khẩu của Ấn Độ sang Australia và 85% hàng xuất khẩu của Australia sang Ấn Độ.
Các Thủ tướng cho rằng ECTA là bước ngoặt mở ra các cơ hội quan trọng để đa dạng hóa và mở rộng thương mại hai chiều. Thỏa thuận này cung cấp khả năng tiếp cận thị trường miễn thuế cho hơn 6.000 ngành hàng của Ấn Độ bao gồm dệt may, da, đồ nội thất, đồ trang sức và máy móc.
Trong lĩnh vực dịch vụ, một số ưu đãi chính từ Australia như hạn ngạch cho đầu bếp và giáo viên yoga; thị thực làm việc sau nghiên cứu 2-4 năm cho sinh viên Ấn Độ trên cơ sở đối ứng; công nhận lẫn nhau về các dịch vụ chuyên nghiệp và các ngành nghề được cấp phép khác và sắp xếp thị thực làm việc và kỳ nghỉ cho các chuyên gia trẻ. Hai bên cũng đã hoàn tất việc mở cửa thị trường cho sản phẩm bơ Hass của Australia sang Ấn Độ và đậu bắp Ấn Độ sang Australia.
Thương mại song phương Ấn Độ-Australia đạt 2,5 tỷ USD chỉ trong tháng 1/2023 do hưởng lợi từ thỏa thuận ECTA. Mục tiêu của hiệp định là tăng kim ngạch thương mại song phương lên 45 tỷ USD trong 5 năm tới (hiện ở mức 27,5 tỷ USD).
Về đầu tư, hai bên hài lòng về tiến độ đạt được trong Bản ghi nhớ giữa Công ty TNHH Khanij Bidesh của Ấn Độ (KABIL) và Văn phòng Khoáng sản của Australia về việc khai thác và cung ứng đất hiếm từ Australia.
Về quốc phòng – an ninh, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về môi trường an ninh toàn cầu ngày càng bất ổn và các biện pháp tăng cường hợp tác giải quyết các thách thức chung và hướng tới một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, cởi mở, bao trùm, ổn định và thịnh vượng. Hai bên hoan nghênh các cuộc đối thoại 2+2 và cuộc gặp cấp Bộ trưởng Quốc phòng cũng như cuộc tập trận phòng thủ chung Malabar giữa 4 nước thành viên Bộ tứ mà Australia đăng cai tổ chức vào cuối tháng 8 năm nay.
Hai Thủ tướng thừa nhận khả năng tương tác ngày càng tăng giữa quân đội hai nước thông qua việc thực hiện Thỏa thuận hỗ trợ hậu cần lẫn nhau giữa Ấn Độ và Australia, đồng thời nhất trí tiếp tục nghiên cứu triển khai máy bay từ lãnh thổ của nhau để xây dựng sự quen thuộc trong tác chiến và nâng cao nhận thức về lĩnh vực hàng hải ở khu vực Ấn Độ Dương, tăng cường chia sẻ thông tin quốc phòng. Hai Thủ tướng cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy kết nối giữa các cơ sở công nghiệp quốc phòng của Ấn Độ và Australia.
Về các vấn đề quốc tế, Tuyên bố chung của chuyến thăm đã bày tỏ quan ngại về tình hình xung đột và nhân đạo ở Ukraine và nhắc lại sự cần thiết phải chấm dứt ngay lập tức các hoạt động thù địch và giải quyết hòa bình cho cuộc xung đột. Thủ tướng hai nước nhắc lại tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế để đối phó với những thách thức đối với trật tự hàng hải dựa trên luật lệ, bao gồm cả ở Biển Đông, và sự ủng hộ của hai nước đối với một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cởi mở, bao trùm, ổn định và thịnh vượng.
Liên quan tới vấn đề này, hai Thủ tướng cũng tái khẳng định cam kết đối với vai trò trung tâm của ASEAN và cấu trúc khu vực do ASEAN dẫn dắt, bao gồm hợp tác chặt chẽ thông qua Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS).
Lên án mạnh mẽ chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức và biểu hiện, hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường hợp tác quốc tế để chống khủng bố một cách toàn diện và bền vững. Họ cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tình hình ngày càng xấu đi ở Myanmar và kêu gọi chấm dứt ngay bạo lực, trả tự do cho tất cả những người bị giam giữ tùy tiện, tiếp cận hỗ trợ nhân đạo, giải quyết các vấn đề thông qua đối thoại và chuyển đổi sang một hệ thống dân chủ liên bang toàn diện ở Myanmar.
Hai bên cũng lên án Triều Tiên tiếp tục phóng tên lửa đạn đạo, kêu gọi nước này tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo UNSCR có liên quan và tái khẳng định cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn.
Sự hội tụ lợi ích chiến lược
Kết quả chuyến thăm Ấn Độ lần này của Thủ tướng Australia cho thấy hai bên muốn tăng tốc hơn nữa hợp tác giữa hai nước vốn đã phát triển mạnh trong những năm gần đây, trên cả bình diện song phương và đa phương.
Australia ủng hộ Ấn Độ ứng cử vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc mở rộng. Cả hai nước đều là thành viên của Khối thịnh vượng chung, IORA, Diễn đàn khu vực ASEAN, Liên minh năng lượng mặt trời quốc tế, Liên minh cơ sở hạ tầng chống chịu thiên tai, và Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á. Ấn Độ và Australia đều là thành viên nhóm Bộ tứ, cùng với Mỹ và Nhật Bản. Tháng 10/2022, Australia tham gia chiến dịch tập trận hàng hải Malabar do Ấn Độ tổ chức, đánh dấu bước nâng cấp đáng kể trong hợp tác quân sự kể từ khi Đối thoại an ninh Bộ tứ được nối lại năm 2017.
Mong muốn nâng cấp quan hệ giữa Ấn Độ và Australia không chỉ bị thúc bách của những chuyển biến nhanh chóng của tình hình khu vực mà còn bởi sự hội tụ lợi ích của hai nước về mặt chiến lược cũng như kinh tế. Hai bên chia sẻ nhận định về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng lớn đang nổi lên như một trục xoay mới của quyền lực và đang tái định hình trật tự kinh tế và chiến lược.
Trong chuyến thăm Australia của Ngoại trưởng Ấn Độ S Jaishankar tháng 10/2022, Ngoại trưởng Australia Penny Wong khẳng định quan hệ hai nước rất quan trọng đối với một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương “ổn định, thịnh vượng”. Bà Wong nhấn mạnh hai nước cần cùng nhau vượt qua giai đoạn thay đổi này và đảm bảo không có bất kỳ quốc gia nào thống trị hoặc bị thống trị. Australia không chỉ đặt mối quan hệ của mình với Ấn Độ dựa trên tính toán về các lợi ích kinh tế và chính trị mà còn dựa trên sự cấp bách chiến lược nhằm tạo ra một đối trọng khu vực với Trung Quốc.
Nhân tố Trung Quốc
Từ quan điểm của Australia, Ấn Độ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình cái mà Ngoại trưởng Penny Wong gọi là “cân bằng chiến lược” ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Ấn Độ cũng quan tâm hơn đến việc xây dựng quan hệ với Australia, một phần là do sự thay đổi trong thế giới quan của Ấn Độ, theo hướng thúc đẩy các mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ hơn với phương Tây và đối phó với thách thức từ Trung Quốc.
Các nhà phân tích cho rằng, nguyên nhân lớn nhất khiến Ấn Độ-Australia đẩy mạnh hợp tác kinh tế là do nỗi sợ hãi ngày càng lớn về sự chèn ép thương mại của Trung Quốc. Cả hai nước đều đang có mâu thuẫn nghiêm trọng với Trung Quốc. Bắc Kinh chặn hàng tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Australia sau khi Canberra công khai kêu gọi điều tra quốc tế về nguồn gốc đại dịch Covid-19, trong khi quân đội Trung Quốc và Ấn Độ vẫn đối đầu trên vùng biên giới Himalaya.
Vì lẽ đó, đa đạng hóa đối tác là cách duy nhất đối phó với Trung Quốc. Trung Quốc đến nay vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Australia, kim ngạch lên tới 240 tỷ AUD và chiếm khoảng 40% tổng lượng hàng xuất khẩu của Australia. Do vậy, có thể nói Trung Quốc là “chất xúc tác” để hai nước làm sâu sắc quan hệ.
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục