Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Tổ chức hợp tác Thượng Hải và những thách thức của Ấn Độ

Tổ chức hợp tác Thượng Hải và những thách thức của Ấn Độ

04:00 06-05-2023 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Vào ngày 28 tháng 4, New Delhi đã tổ chức Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng các nước thành viên Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) để thảo luận về hòa bình và an ninh khu vực, các nỗ lực chống khủng bố và chủ nghĩa đa phương hiệu quả. Hội nghị do Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh chủ trì, có sự tham gia trực tiếp của những người đồng cấp đến từ Nga, Trung Quốc, Iran, Belarus, Uzbekistan, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan. Cố vấn quốc phòng đặc biệt của Thủ tướng Pakistan đã tham gia trực tuyến.

Các bộ trưởng đã thảo luận về an ninh khu vực và quốc tế theo hiến chương của SCO, ký kết một nghị định thư, bày tỏ mong muốn giúp khu vực trở nên “an toàn, ổn định và thịnh vượng”, đồng thời nhất trí lên án mọi hình thức khủng bố. Ông Singh kêu gọi các quốc gia thành viên SCO cùng hợp tác để loại bỏ chủ nghĩa khủng bố và buộc những người ủng hộ chúng phải chịu trách nhiệm. Ông cũng kêu gọi các nước thành viên "đối phó hiệu quả với chủ nghĩa khủng bố" như một ưu tiên hàng đầu và biến SCO trở thành một tổ chức quốc tế đáng tin cậy và mạnh mẽ hơn. Ông cũng khẳng định cam kết của New Delhi trong việc xây dựng năng lực quốc phòng của các thành viên SCO và “lợi ích đa chiều của khu vực”. Trong một đề cập kín đáo về sự xâm lấn của Trung Quốc trên Đường Kiểm soát Thực tế (LAC), ông cũng kêu gọi một khuôn khổ hợp tác khu vực mạnh mẽ tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của tất cả các quốc gia thành viên.

Ấn Độ được trao tư cách quan sát viên vào năm 2005 và trở thành thành viên đầy đủ của SCO tại Hội nghị Thượng đỉnh Asthana vào tháng 6 năm 2017. Kể từ khi là thành viên đầy đủ, Ấn Độ không chỉ hỗ trợ tăng cường chương trình nghị sự cốt lõi của SCO về chống chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cấp tiến, mà còn củng cố cam kết của nước này đối với kết nối khu vực ổn định, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền. New Delhi luôn ủng hộ “một tiến trình do Afghanistan lãnh đạo, do Afghanistan làm chủ và do Afghanistan kiểm soát nhằm đạt được hòa bình và hòa giải lâu dài” tại quốc gia đầy xung đột này. Ấn Độ đã kiên định sử dụng vốn ngoại giao của mình để vận động tăng cường hợp tác và sử dụng nền tảng SCO để hợp tác với các đối tác trong khu vực. Năm 2018, tại Thanh Đảo, Trung Quốc, Thủ tướng Narendra Modi đã đặt ra từ viết tắt SECURE (AN TOÀN) để nêu bật những thách thức cấp bách trong khu vực mà SCO phải đối mặt. Trong đó S là an ninh của người dân, E – phát triển kinh tế cho mọi người, C – kết nối khu vực, U – đoàn kết nhân dân, R – tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, và E là bảo vệ môi trường.

Thủ tướng Modi cũng nhấn mạnh rằng, hòa bình lâu dài ở Afghanistan chỉ có thể đạt được thông qua Nhóm Liên lạc Afghanistan (ACG) dưới sự bảo trợ của SCO. ACG được thành lập vào năm 2005 để duy trì hợp tác khu vực với Kabul về các vấn đề cùng quan tâm. ACG đã không còn tồn tại sau khi bạo lực leo thang ở Tây Á. Mặc dù ACG đã được hồi sinh vào năm 2017, nhưng sự khác biệt về lợi ích và sự thiếu hụt lòng tin đã buộc các quốc gia thành viên SCO phải tạo ra các cuộc tham vấn đa phương khu vực khác về Afghanistan. Hơn nữa, một số quốc gia thành viên SCO đã sử dụng Afghanistan và Taliban vì lợi ích địa kinh tế và địa chiến lược của riêng họ chống lại phương Tây và cũng như chống lại nhau. Một số nước thành viên đã sử dụng khủng bố như một công cụ chính sách đối ngoại để cản trở tầm vóc ngày càng tăng của Ấn Độ trong khu vực Á-Âu.

Chủ nghĩa khủng bố do nhà nước bảo trợ là thách thức lớn nhất của Ấn Độ, và vụ tấn công khủng bố gần đây ở quận Poonch của Jammu và Kashmir, nơi 5 binh sĩ quân đội thiệt mạng, sẽ mở tầm mắt cho các quốc gia thành viên SCO. Ấn Độ cần đề cao nhận thức các thành viên có ảnh hưởng của SCO về chủ nghĩa khủng bố do nhà nước tài trợ ở Pakistan. Các nhóm khủng bố toàn cầu và khu vực đáng sợ, như al-Qaeda, Nhà nước Hồi giáo tỉnh Khorasan (ISKP), Lashkar-e-Taiba (LeT), Jaish-e-Mohammed (JeM), Phong trào Hồi giáo Uzbekistan (IMU) để bảo vệ SCO và khu vực Á-Âu rộng lớn hơn khỏi các lực lượng cực đoan cấp tiến này. Vấn đề này cộng hưởng với Trung Quốc, Nga và các nước Cộng hòa Trung Á (CAR), những nước đang phải đối mặt với các mối đe dọa ngày càng tăng. Một thách thức chung khác đối với khu vực SCO là buôn bán ma túy bất hợp pháp bắt nguồn từ khu vực Af-Pak. Vào năm 2021, hơn 80% nguồn cung cấp thuốc phiện và bạch phiến có nguồn gốc từ Afghanistan thông qua các con đường khác nhau đến thị trường thuốc phiện toàn cầu. Sự tham gia ngày càng nhiều của các tổ chức khủng bố trong buôn bán ma túy đã làm nảy sinh những thách thức địa chính trị mới đối với SCO. Nó đã trở thành một nguồn tài trợ quan trọng cho các hoạt động chống nhà nước của các nhóm khủng bố đáng sợ trong khu vực và những phần tử Hồi giáo cực đoan.

Một Afghanistan đầy biến động và các thánh địa khủng bố ở khu vực Af-Pak đã tạo ra nhiều nút thắt trong các dự án kết nối do các quốc gia thành viên SCO và các quốc gia khác trong khu vực Á-Âu khởi xướng. Ngoài ra, Pakistan đã cản trở các lợi ích chiến lược, kinh tế và văn hóa bằng cách ngăn chặn bằng cách từ chối tạo điều kiện kết nối qua lãnh thổ của mình. Ví dụ, đường ống Turkmenistan-Afghanistan-Pakistan-Ấn Độ (TAPI) đã bị đình trệ từ năm 2006 do bất ổn ở Afghanistan và những trở ngại do Pakistan tạo ra. Ngược lại, Islamabad đã tạo điều kiện thuận lợi cho Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC), một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) hàng đầu với khoản đầu tư trị giá 62 tỷ USD. CPEC đi nganng qua khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát (POK), vi phạm chủ quyền và thống nhất lãnh thổ của Ấn Độ. Tuy nhiên, Ấn Độ đã nghiên cứu các dự án kết nối mới trong khu vực như cảng Chabahar ở tỉnh Sistan-Balochistan của Iran và Hành lang Giao thông Bắc-Nam Quốc tế (INSTC) dài 7.200 km giữa Nga, Iran và Ấn Độ. Ấn Độ cũng đã trở thành thành viên của Thỏa thuận Ashgabat vào năm 2018. New Delhi cần sử dụng diễn đàn SCO, bao gồm cảng Chabahar, thành INSTC để mở rộng ảnh hưởng ngày càng tăng của mình đối với Âu Á và “nỗ lực phát triển chuỗi cung ứng đáng tin cậy, linh hoạt và đa dạng” ở khu vực".

Cuối cùng là, phương Tây tiếp tục có nhận thức rằng SCO là một diễn đàn chống phương Tây. Tuy nhiên, tầm vóc kinh tế và chính trị ngày càng tăng của Ấn Độ ở cấp độ toàn cầu trong kỷ nguyên chính sách đối ngoại đa phương đã khiến New Delhi trở thành một bên tham gia tiềm năng trong việc biến SCO thành một tổ chức định hướng phát triển ở Á-Âu thay vì một liên minh chống phương Tây. Đó là lý do tại sao New Delhi luôn nhấn mạnh việc duy trì hòa bình và an ninh dựa trên các quy định của Hiến chương Liên Hợp Quốc nhằm đảm bảo sự thịnh vượng chung của khu vực.

Ấn Độ đã ủng hộ sự hợp tác cùng có lợi trong SCO để kết nối khu vực hoặc xuyên khu vực, hợp tác quốc phòng và an ninh khu vực, chống chủ nghĩa khủng bố do nhà nước bảo trợ, và một Afghanistan hòa bình, thịnh vượng với một chính phủ bao trùm và trật tự toàn cầu hòa bình mà không có sự ngăn cản của đối thủ. Thách thức đối với New Delhi, trong tương lai, sẽ vẫn là việc sử dụng nguồn vốn ngoại giao đáng kể của mình để biến khu vực Á-Âu trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng trong khuôn khổ của SCO.

 

Nguồn:

ORF

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục