Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

TPP - phản ứng của Trung Quốc và lựa chọn của Ấn Độ

TPP - phản ứng của Trung Quốc và lựa chọn của Ấn Độ

Rõ ràng là kể từ khi được khởi xướng, TPP đã khiến Trung Quốc “nhiều đêm mất ngủ”, trong khi Ấn Độ chắc chắn sẽ gặp khó khăn khi TPP được hiện thực hóa.

05:56 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Prof. B. R. Deepak

TPP đã được 12 nước thuộc Vành đai Thái Bình Dương ký kết vào ngày 5/10/2015 sau 5 năm đàm phán, song Thỏa thuận này vẫn còn phải chờ được phê chuẩn tại các nước tham gia. Về mặt kinh tế, các nước tham gia TPP chiếm hơn 40% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, và Mỹ ngày càng coi khu vực này là một thị trường xuất khẩu nền tảng có thể thúc đẩy nhờ các luật lao động và môi trường chuẩn mực, quyền sở hữu trí tuệ, sự tiếp cận thị trường toàn diện, và trên hết là điều luật thuế suất 0% trong thỏa thuận. Cả Ấn Độ và Trung Quốc đều không được tham gia Thỏa thuận này, có lẽ bởi mục đích không để thế kỷ XXI trở thành “thế kỷ châu Á”.

Tuy nhiên, phản ứng chính thức của Trung Quốc là hoan nghênh việc ký kết TPP. Bộ Thương mại Trung Quốc bày tỏ hy vọng rằng, Thỏa thuận này có thể tạo cơ hội đẩy mạnh các cuộc đàm phán về các thỏa thuận tự do thương mại khác của khu vực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế châu Á- Thái Bình Dương. Có những quan điểm muốn Trung Quốc tập trung vào Hiệp định Đầu tư song phương (BIT) với Mỹ hơn là gia nhập TPP. Một số người cho rằng, TPP sẽ không tạo nên nguy cơ gì cho kinh tế Trung Quốc vì Trung Quốc có nhiều Thỏa thuận Tự do thương mại (FTA) với nhiều nước, trong đó có tới một nửa số nước tham gia TPP. Tuy nhiên, bất chấp những phát ngôn tích cực này của Bắc Kinh, nhiều người cho rằng, TPP là một phần trong chiến lược “xoay trục sang châu Á” của Mỹ với mục đích không gì khác ngoài việc kiềm chế Trung Quốc. Theo bài báo năm 2015 của nhà phân tích Zhang Yizhen, TPP chắc chắn là động thái của Mỹ muốn kiềm chế Trung Quốc đúng theo cách mà Mỹ tạo nên Thỏa thuận Đối tác đầu tư và thương mại xuyên Đại Tây Dương (TIPP) với châu Âu. Nhà phân tích trên cho rằng, Thỏa thuận này có thể sẽ khó được thông qua tại Quốc hội Mỹ bởi những nhạy cảm do cuộc bầu cử sắp tới.

Một bài viết khác ngày 5/10/2015 với tựa đề “TPP còn đáng sợ hơn sự sụp đổ thị trường chứng khoán”, được lưu truyền trên các trang blog cá nhân ở Trung Quốc, song ngay lập tức bị gỡ xuống bởi “vi phạm pháp luật”, miêu tả TPP là một thảm họa đối với Trung Quốc. Theo bài viết, trong tương lai gần, TPP - khối kinh tế lớn nhất thế giới - sẽ vẽ lại bản đồ kinh tế thế giới và, về cơ bản, sẽ thay đổi cơ cấu kinh tế toàn cầu và cách hoạt động của nền kinh tế thế giới. Theo nhà phân tích giấu tên này, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và thương mại quốc tế là những động lực duy nhất giữ nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng. Dẫn lời Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên trong một cuộc phỏng vấn với CCTV, nhà phân tích này cho rằng ngoại thương hiện chiếm đến 60% nền kinh tế Trung Quốc, còn đầu tư vào cơ sở hạ tầng hầu như đã bão hòa. Và nếu xuất khẩu tiếp tục trở nên ế ẩm thì tác động của nó lên nền kinh tế Trung Quốc sẽ là rất bất lợi. Ông cho rằng, thậm chí nếu Trung Quốc muốn tham gia vào TPP thì đó cũng chỉ là một suy nghĩ hão huyền, bởi hệ thống chính trị của các nước thành viên phải tôn trọng tự do, dân chủ, nhân quyền, pháp quyền..., liệu Trung Quốc có thể làm điều đó? Hơn thế, TPP quy định lợi nhuận đồng đều đối với các doanh nghiệp công và doanh nghiệp tư và sự tư nhân hóa các doanh nghiệp quốc doanh, liệu Trung Quốc có thể làm điều đó? Các vấn đề khác như tự do thương mại, tự do hóa thị trường nông sản, tài chính, hậu cần, bảo vệ môi trường… là những đòi hỏi đều khó khăn đối với Trung Quốc. TPP sẽ chấm dứt sự tự do hưởng lợi của Trung Quốc. Có thể một số lo ngại đã được tác giả giấu tên này cường điệu hóa song một số khác cũng có cơ sở.

Rõ ràng là kể từ khi được khởi xướng, TPP đã khiến Trung Quốc “nhiều đêm mất ngủ”. TPP, TIPP và các sáng kiến tương tự khác của Mỹ có thể được coi là nỗ lực cải tiến quá trình toàn cầu hóa, sẽ lập ra các luật lệ ràng buộc mới có tính đến những mặt hạn chế của WTO. Trung Quốc tỏ ra lo sợ điều này, đó là lý do Trung Quốc đã khởi xướng quá trình toàn cầu hóa của riêng họ bằng cách đưa ra chiến lược “một vành đai, một con đường” và các sáng kiến khác có quy mô nhỏ hơn, như Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) và Ngân hàng Phát triển mới của nhóm BRICS (NDB), về cơ bản là để đối phó với quy trình toàn cầu hóa do Mỹ lãnh đạo.

Cho đến nay, Ấn Độ không tham gia vào “một vành đai, một con đường” hay TPP. Tuy nhiên, Ấn Độ đã cố gắng khởi xướng một phiên bản “toàn cầu hóa” nhỏ hơn với các sáng kiến như “Make in India”, “Start up India” hay một số dự án khác kết nối vùng duyên hải với nội địa Ấn Độ bằng hệ thống xe lửa, đường bộ và thành phố thông minh. Trong ngắn hạn, đây dường như là sáng kiến tuyệt vời và các nước như Trung Quốc và Nhật Bản đều bày tỏ mong muốn đầu tư vào Ấn Độ. Tuy nhiên, trong dài hạn, đặc biệt khi TPP được hiện thực hóa, khi các luật lệ mới về thị trường và thương mại tự do sẽ chi phối, thì Ấn Độ chắc chắn sẽ gặp khó khăn.

Ấn Độ đang rơi vào tình hình tương tự khi Trung Quốc đàm phán gia nhập WTO. Hiện nay, Trung Quốc có trao đổi thương mại hơn 400 tỷ USD với ASEAN, ký thỏa thuận FTA với nhiều nước trong TPP và vị thế của Trung Quốc ở các nước Cộng hòa Trung Á, châu Phi và châu Mỹ là khá vững chắc. Ấn Độ mặc dù đang đàm phán về các FTA của riêng họ nhưng tình hình hiện nay không thực sự khởi sắc và các số liệu thương mại của nước này ảm đạm hơn nhiều nếu so sánh với Trung Quốc.

Tuy nhiên, Ấn Độ sẽ được hưởng lợi chừng nào ngành dịch vụ và xuất khẩu được quan tâm đến, đặc biệt khi ngành sản xuất đang chuyển hướng từ Trung Quốc sang các nước như Việt Nam, Indonesia, Thái Lan và Ấn Độ. Nếu Ấn Độ vẫn đứng ngoài chuỗi cung ứng toàn cầu, họ sẽ khó có thể khiến các ngành công nghiệp trong nước có sức cạnh tranh và họ sẽ bỏ lỡ cơ hội như trong giai đoạn tiền khủng hoảng tài chính thế giới, khi toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ nhất và Trung Quốc đã tự vươn mình từ đói nghèo.

* Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc và Đông Nam Á, Đại học Jawaharlal Nehru, New Delhi (Ấn Độ).

(Theo “Southasia analysis” (http://nghiencuubiendong.vn/))

 

Nguồn:

Cùng chuyên mục