Trao quyền con người cho sông Hằng và sông Yamuna
Tòa án Ấn Độ đã trích dẫn sự việc sông Whanganui của New Zealand như một ví dụ làm căn cứ cho tình trạng của hai con sông linh thiêng của Ấn Độ là sông Hằng và sông Yamuna.
Thứ Hai, ngày 20/3/2017, Tòa án bang Uttarakhand thuộc miền bắc Ấn Độ đã tuyên bố trao quyền con người cho sông Hằng và sông Yamuna (nhánh chính của sông Hằng).
Quyết định này được các nhà môi trường hoan nghênh. Nó cũng có nghĩa là việc gây ô nhiễm hoặc làm hư hại các con sông này sẽ tương đương với việc làm hại một người.
Các thẩm phán đã trích dẫn sự việc tương tự của Chính phủ New Zealand - đó là sự việc dòng sông Whanganui linh thiêng của những người Maori bản xứ cũng đã được tuyên bố là một thực thể sống với đầy đủ các quyền hợp pháp vào tuần trước.
Các thẩm phán Rajeev Sharma và Alok Singh cho biết, sông Hằng và sông Yamuna và các chi nhánh của chúng sẽ là những “pháp nhân và các thực thể sống có tư cách pháp nhân với tất cả các quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm tương ứng".
Tòa án ở thị trấn nghỉ mát Himalaya của Nainital đã chỉ định ra ba quan chức có vai trò là người giám hộ hợp pháp có trách nhiệm bảo tồn và bảo vệ các con sông và các chi lưu của chúng. Tòa án còn ra chỉ thị thành lập một ban quản trị trong vòng ba tháng tới.
Vụ việc phát sinh sau khi các quan chức phàn nàn rằng các chính quyền bang Uttarakhand và Uttar Pradesh lân cận không hợp tác với nỗ lực của chính phủ liên bang nhằm thiết lập một hội đồng để bảo vệ sông Hằng.
Himanshu Thakkar, một kỹ sư điều phối mạng lưới Nam Á trong lĩnh vực Đê đập, Sông ngòi và Con người, cho biết, ý nghĩa thiết thực của quyết định này không rõ ràng.
Ông nói: “Mỗi ngày có 1,5 tỉ lít nước thải không qua xử lý và 500 triệu lít nước thải công nghiệp được thải ra”.
“Tất cả những điều này sẽ trở nên bất hợp pháp với ảnh hưởng ngay tức thì, nhưng bạn không thể ngừng sự việc ngay lập tức. Do đó, kết quả thực tiễn của quyết định này là không rõ ràng”. Sáng kiến làm sạch con sông này gần đây nhất đã đưa ra thời hạn cuối cùng là năm 2018, một trong số các quan chức thuộc Bộ Nước sạch Ấn Độ đã thừa nhận là sẽ không kịp thời hạn.
Kể từ năm 1983, nhiều thế hệ lãnh đạo Ấn Độ chi tổng cộng 4 tỷ USD để giải quyết ô nhiễm. Suốt 30 năm qua, nhiều dự án đã được tiến hành, gồm "Ganga action plan", "Gap 2" và "Ganga mission". Nhưng hiện nay, số lượng các nhà máy xử lý nước thải và nhà hỏa táng bằng điện vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu cần thiết. Sau khi được bầu vào năm 2014, Thủ tướng Narendra Modi đã từng hứa sẽ trả lại nguyên trạng cho dòng sông linh thiêng này.
Ông Thakkar cho biết, quyết định của ngày hôm thứ Hai có thể là một nỗ lực của các tòa án để mở rộng phạm vi can thiệp vào việc quản lý sông Hằng. “Chính phủ đã cố gắng dọn sạch dòng sông bằng cách chi ra rất nhiều tiền, đưa ra rất nhiều cơ sở hạ tầng và công nghệ, nhưng họ không trông đợi vào việc quản lý dòng sông", ông nói.
Ông đưa ra ví dụ về sông Yamuna, được giám sát bởi 22 nhà máy xử lý nước thải tại Delhi, “Nhưng không có nhà máy nào trong số đó đang hoạt động theo thiết kế của mình về số lượng và chất lượng, và chúng tôi không biết lý do tại sao”.
“Bạn cần một hệ thống quản lý đơn giản cho từng nhà máy và trao nhiệm vụ kiểm tra cho những người độc lập, yêu cầu các quan chức viết báo cáo hàng ngày và hàng quý để thực sự rút ra các bài học kinh nghiệm cụ thể”.
Các nhà hoạt động môi trường cho rằng, nhiều con sông ở Ấn Độ đã trở nên bẩn hơn khi kinh tế phát triển, với nước thải của thành phố, thuốc trừ sâu nông nghiệp và nước thải công nghiệp tự do chảy vào các nguồn nước bất chấp luật chống ô nhiễm môi trường.
Yamuna là nhánh chính của sông Hằng, con sông bị cho là ô nhiễm nước thải và ô nhiễm công nghiệp. Ở một số nơi, dòng sông đã xuống cấp trầm trọng đến mức nó không còn có thể hỗ trợ cuộc sống được nữa. Nước từ sông Yamuna được xử lý hóa học trước khi cung cấp cho gần 19 triệu cư dân của Delhi sử dụng làm nước uống.
Ở New Zealand, cộng đồng, hay bộ lạc người Māori thuộc Whanganui ở Đảo Bắc đã đấu tranh để dòng sông có lịch sử 140 năm của họ được thừa nhận. Đây là dòng sông lớn thứ ba ở New Zealand.
Thứ Tư tuần trước (15/2/2017), hàng trăm đại diện của bộ lạc đã khóc vì vui sướng khi nỗ lực của họ đã đạt được kết quả. Dòng sông của họ đã được trao tư cách pháp nhân như một thực thể sống và được thông qua thành luật.
Gerrard Albert, nhà đàm phán chính của cộng đồng này nói: “Chúng tôi đã chiến đấu để tìm ra một sự gần đúng trong luật pháp, để tất cả những người khác có thể hiểu rằng, theo quan điểm của chúng tôi, đối xử với dòng sông như một thực thể sống là một cách đúng đắn để tiếp cận nó trong một tổng thể không thể chia cắt, thay vì mô hình truyền thống đã tồn tại hàng trăm năm qua đối xử với nó từ góc độc quyền sở hữu và quản lý”.
Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ dịch
Nguồn: https://www.theguardian.com/world/2017/mar/21/ganges-and-yamuna-rivers-granted-same-legal-rights-as-human-beings
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục