Trật tự mới ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Động lực an ninh đang thay đổi nhanh chóng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo - Pacific). Khu vực này không chỉ có các nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, mà còn là nơi chứng kiến những khoản chi tiêu quân sự và năng lực hải quân gia tăng nhanh nhất, sự cạnh tranh khốc liệt nhất về các nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng như các điểm nóng chiến lược nguy hiểm nhất. Thậm chí có thể nói rằng, khu vực này là chìa khóa để đảm bảo an ninh toàn cầu.
Biến động từ Trung Quốc
Động lực chính của sự thay đổi này là Trung Quốc, nước trong 5 năm qua không ngừng mở rộng biên giới ra vùng biển quốc tế bằng cách xây dựng đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông. Sau khi quân sự hóa các tiền đồn này - được xem là “việc đã rồi” đối với thế giới - Trung Quốc hiện chuyển hướng sang Ấn Độ Dương.
Trung Quốc đã mở căn cứ quân sự nước ngoài đầu tiên tại một cảng biển ở Djibouti - nước gần đây đã tước quyền vận hành một hải cảng chính khỏi tay một công ty tại Dubai, để trao cho Trung Quốc. Bắc Kinh cũng đang có kế hoạch mở một căn cứ hải quân mới nằm cạnh cảng Gwadar do Trung Quốc kiểm soát ở Pakistan. Ngoài ra, Trung Quốc còn thuê nhiều hòn đảo ở Maldives với tham vọng sẽ xây một đài quan sát biển nhằm giúp cung cấp dữ liệu hỗ trợ triển khai các tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSN) và tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo (SSBN) ở Ấn Độ Dương.
Tóm lại, Trung Quốc đã biến đổi cảnh quan chiến lược của khu vực chỉ trong 5 năm. Nếu các cường quốc khác không can thiệp vào những thách thức ngày càng lớn đối với nguyên trạng lãnh thổ và hàng hải, thời gian 5 năm tới có thể giúp củng cố những lợi thế chiến lược của Trung Quốc. Xét tầm quan trọng về kinh tế của khu vực, điều này sẽ tạo ra những rủi ro đáng kể cho thị trường toàn cầu cũng như an ninh quốc tế.
Ba thách thức lớn
Để giảm thiểu mối đe dọa trên, các nước ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương phải đối mặt với 3 thách thức lớn, đầu tiên là khoảng cách ngày càng nới rộng giữa chính trị và kinh tế. Mặc dù thiếu hội nhập chính trị và một khuôn khổ an ninh chung ở Indo - Pacific song các hiệp định thương mại tự do đang tăng lên, mới nhất là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký ngày 8/3/2018. Trung Quốc nổi lên như một đối tác thương mại hàng đầu của hầu hết các nền kinh tế khu vực.
Tuy nhiên, sự bùng nổ các thỏa thuận thương mại không đủ giảm thiểu những rủi ro chính trị, mà thay vào đó cần có một khuôn khổ các quy định và luật lệ chung có thể thi hành được. Cụ thể, mọi quốc gia phải đồng ý tuyên bố hoặc làm rõ các yêu sách lãnh thổ hoặc hàng hải của mình trên cơ sở luật pháp quốc tế và giải quyết mọi tranh chấp bằng giải pháp hòa bình.
Việc thiết lập một khuôn khổ khu vực giúp củng cố thượng tôn pháp luật sẽ đòi hỏi đạt được các tiến bộ để vượt qua thách thức thứ hai: “vấn đề lịch sử” của khu vực. Các tranh chấp về lãnh thổ, tài nguyên thiên nhiên, vùng phòng không… và sách giáo khoa đều có mối liên kết, theo cách này hay cách khác. Kết quả là những tư tưởng chủ nghĩa dân tộc đầy tính xung đột và củng cố lẫn nhau gây nguy hiểm cho tương lai khu vực.
Quá khứ tiếp tục phủ bóng tối lên mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản - các đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở Đông Á. Về phần mình, Trung Quốc sử dụng lịch sử để biện minh cho các nỗ lực của mình để xóa bỏ hiện trạng lãnh thổ và hàng hải, đồng thời bắt chước các cuộc bành trướng kiểu thực dân trước năm 1945 của đối thủ Nhật Bản. Mọi tranh chấp biên giới với nhiều nước láng giềng của Trung Quốc đều dựa trên các tuyên bố lịch sử, chứ không phải luật quốc tế.
Điều này dẫn đến thách thức chính thứ ba đối với Indo - Pacific: thay đổi động lực trên biển. Trong bối cảnh thương mại hàng hải ngày càng gia tăng, các cường quốc khu vực đang đua tranh nhau giành quyền tiếp cận, gây ảnh hưởng và tạo lợi thế tương đối.
Ở đây, mối đe dọa lớn nhất nằm ở những nỗ lực đơn phương của Trung Quốc để thay đổi nguyên trạng khu vực. Những gì mà Trung Quốc đạt được ở Biển Đông có tác động chiến lược sâu rộng hơn và lâu dài hơn so với việc Nga sáp nhập Crimea chẳng hạn, vì nó gửi thông điệp rằng, chủ nghĩa đơn phương hiếu chiến không nhất thiết phải bị quốc tế trừng phạt.
Giải pháp
Như được nêu trong Chiến lược an ninh quốc gia Mỹ gần đây, “Một cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa các quan điểm tự do và có phần đàn áp về trật tự thế giới đang diễn ra ở khu vực Indo - Pacific”. Tuy nhiên, trong khi các nước lớn trong khu vực đều đồng ý rằng, một trật tự mở và dựa trên luật lệ là rất phù hợp với quyền bá chủ của Trung Quốc, song đến nay họ vẫn không làm gì nhiều để thúc đẩy hợp tác.
Thời gian không còn nhiều để mà lãng phí. Các cường quốc ở Indo - Pacific phải hành động mạnh mẽ hơn để tăng cường ổn định khu vực, nhắc lại cam kết của họ về các tiêu chuẩn chung, không đề cập luật quốc tế và tạo ra các thể chế vững chắc.
Trước hết, Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ phải đạt được tiến bộ trong việc thể chế hóa Đối thoại bốn bên về an ninh, qua đó có thể phối hợp tốt hơn các chính sách cũng như theo đuổi hợp tác rộng hơn với các đối tác quan trọng khác như Việt Nam, Indonesia và Hàn Quốc cũng như với các quốc gia nhỏ hơn.
Về mặt kinh tế và chiến lược, trọng tâm của thế giới đang dịch chuyển sang Indo - Pacific. Nếu các nước trong khu vực không hành động ngay bây giờ để củng cố một trật tự mở, thì tình hình an ninh sẽ tiếp tục xấu đi.
Nguồn: https://thanhnien.vn/the-gioi/trat-tu-moi-o-an-do-duong-thai-binh-duong-943181.html
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục