Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Triển vọng hợp tác Việt Nam - Ấn Độ

Triển vọng hợp tác Việt Nam - Ấn Độ

Về triển vọng quan hệ hai nước, hiện nay, sự trỗi dậy của Ấn Độ và sự vươn lên của Việt Nam dang mở ra nhiều không gian hợp tác cho quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

04:00 31-12-2023 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Việt Nam đóng vai trò quan trọng nhất trong việc thúc đẩy sự đoàn kết trong cộng đồng ASEAN để bảo đảm ổn định tại Biển Đông, khu vực được xem là trung tâm của Đại Dương Ấn Độ-Thái Bình Dương. Đáng chú ý, Việt Nam duy trì tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, thậm chí trong bối cảnh đại dịch. Trong bối cảnh tổng thể, chỉ số Quyền lực Châu Á năm 2020 đánh giá Việt Nam ở vị trí thứ 12 trên tổng số 26 quốc gia, đặc biệt là với tốc độ tăng trưởng công nghiệp và sự linh hoạt trong thực hiện chính sách kinh tế mới, dự báo nước này sẽ nhanh chóng trở thành trung tâm công nghiệp trong khu vực. Tại Đại hội Đảng lần thứ XIII năm 2021, Việt Nam đã đặt ra mục tiêu trở thành quốc gia công nghiệp, hiện đại vào năm 2030, và đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm lập quốc, mục tiêu là trở thành quốc gia phát triển với thu nhập cao[1].

Trên trường quốc tế, đặc biệt là trong bối cảnh Biển Đông, Việt Nam đang đóng vai trò lãnh đạo quan trọng, mặc dù có nhiều thách thức. Được xem là nhà lãnh đạo của ASEAN, Việt Nam chịu trách nhiệm quan trọng trong việc duy trì hòa bình và ổn định khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ấn Độ nhìn nhận mối quan hệ với Việt Nam như một quan hệ chiến lược và lâu dài, đồng thời tin rằng, sự hợp tác giữa hai nước sẽ góp phần quan trọng vào sự ổn định và hòa bình trong khu vực rộng lớn này.

Về thực trạng và sự phát triển quan hệ song phương và đa phương Việt Nam-Ấn Độ trong 50 năm qua, có thể thấy rằng, đây là một trong những đối tác tin cậy nhất, có truyền thống lâu đời, sát cánh bên nhau, khía cạnh nổi bật nhất trong quan hệ giữa Việt-Ấn là quan hệ hữu nghị giữa hai quốc gia chưa trải qua bất cứ một giai đoạn “đứt gãy” nào. Về quan hệ chính trị-chiến lược, quan hệ Việt Nam-Ấn Độ là mối quan hệ có bề dày lịch sử và liên tục, bền vững nhất. 50 năm qua, quan hệ hai nước không ngừng được phát triển và không có điểm nghẽn, ngày càng có nhiều các đoàn trao đổi cấp cao, có sự tương đồng trong quan điểm về thách thức toàn cầu, ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết hòa bình các tranh chấp thông qua đàm phán hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và các văn bản có tính cam kết ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó có khu vực Biển Đông. Về quan hệ kinh tế, 50 năm qua ghi nhận nhiều thành tựu nổi bật. Về hợp tác an ninh quốc phòng, đây dược xem là trụ cột chiến lược trong quan hệ hai nước.

Đến nay, hợp tác quốc phòng của Ấn Độ với Việt Nam trở nên đa dạng và đạt được những bước tiến rõ rệt được thể hiện qua các cơ chế chung, cơ chế tham vấn dược thế chế hóa giữa hai Bộ trưởng Quốc phòng và ba quân chủng và lực lượng bảo vệ bờ biển, hợp tác công nghiệp quốc phòng, các dự án phát triển, các tổ chức và chương trình đào tạo, xây dựng năng lực trên một số lĩnh vực như khoa học công nghệ, năng lượng hạt nhân, các khoản đầu tư đáng kể từ Ấn Độ cho Việt Nam, nâng cao năng lực công nghệ thông tin; giữ gìn hòa bình Liên hợp quốc, các cuộc tập trận chung. Cả hai nước đều là đối tác chiến lược chia sẻ các giá trị chung về các vấn đề khu vực và quốc tế quan tâm, các chương trình như vậy giúp xây dựng lòng tin, là giá trị cơ bản không thể thiếu cho bất kỳ hình thức hợp tác song phương nào. Về quan hệ văn hóa-giáo dục-khoa học kỹ thuật: Cùng với sự phát triển của các quan hệ chính trị, kinh tế, hợp tác về văn hóa giáo dục và khoa học kỹ thuật cũng là một lĩnh vực ngày càng có tầm quan trọng hơn trong quan hệ song phương giữa hai quốc gia.

Tuy nhiên, mối quan hệ Việt Nam-Ấn Độ vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Sự thiếu hụt thông tin về đất nước của nhau; hạn chế về kết nối cơ sở hạ tầng cứng và hạ tầng mềm; những khác biệt về văn hóa, tôn giáo, tâm lý và thói quen cũng tạo ra những trở ngại nhất định trong quá trình hợp tác giữa hai bên. Vấn đề Biển Đông vừa là cơ hội đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức cho cả hai phía. 

Những nội dung chính sau đây cần được làm rõ để phân tích quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ trong bối cảnh hợp tác khu vực: Chủ trương, chính sách của Việt Nam trong đối ngoại với Ấn Độ và việc thực hiện chủ trương chính sách đó trong 50 năm qua; chủ trương, chính sách của Ấn Độ trong quan hệ đối với Việt Nam từ năm 1947 đến nay; những nhân tố tác động đến quan hệ Việt-Ấn trong quá khứ và hiện tại; những phát triển mới, đặc điểm mới và sự hội tụ mới trong quan hệ Việt Nam-Ấn Độ trong bối cảnh địa chính trị thế giới hiện nay; thực trạng, thành tựu, thách thách/khó khăn của quan hệ Việt Nam-Ấn Độ sau 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao trên tất cả các lĩnh vực: chính trị-chiến lược, kinh tế, an ninh-quốc phòng, kinh tế, văn hóa-giáo dục; những tính toán chiến lược của Việt Nam và Ấn Độ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và triển vọng hợp tác song phương, đa phương Việt Nam-Ấn Độ; những ảnh hưởng của quan hệ Việt-Ấn đến hoạch định và thực thi chính sách đối ngoại của cả hai nước; kết nối về văn hóa-văn minh Việt Nam-Ấn Độ; kết nối cơ sở hạ tầng cứng và hạ tầng mềm song phương và da phương Việt-Ấn; khả năng tham gia của Việt Nam vào chương trình sản xuất tại Ấn Độ; sự tham gia của Việt Nam, Ấn Độ và hợp tác Việt-Ấn trong chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu bối cảnh hậu đại dịch Covid-19; tình hình nghiên cứu Ấn Độ học tại Việt Nam.

Về triển vọng quan hệ hai nước, hiện nay, sự trỗi dậy của Ấn Độ và sự vươn lên của Việt Nam dang mở ra nhiều không gian hợp tác cho quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, đặc biệt hai nước có sự chia sẻ về giá trị và lợi ích chung như: đều có tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, lực lượng dân số trẻ; đều là quốc gia có ưu thế về sức mạnh hàng hải góp phần trong hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương; đều ủng hộ trật tự thế giới đa cực; đều ủng hộ chủ nghĩa đa phương cải cách; đều tôn trọng luật pháp quốc tế, trật tự dựa trên quy tắc; đều tìm kiếm giải pháp hòa bình cho những bất đồng; chủ nghĩa dân tộc ở hai quốc gia không hướng nội mà là chủ nghĩa quốc tế, sẵn sàng gánh vác các trách nhiệm khu vực và toàn cầu dựa trên nguyên tắc tự lực tự cường và tự tôn dân tộc.

Về các ưu tiên trong tương lai trong quan hệ Việt Nam-Ấn Độ, trên cơ sở sự hội tụ lợi ích giữa hai nước, thời gian tới, hợp tác hai nước tập trung vào: Kết nối (hạ tầng cứng và hạ tầng mềm); tăng cường thương mại, chuỗi cung ứng mới; đối tác phát triển và cam kết các mục tiêu phát triển bền vững; hợp tác công nghiệp quốc phòng; quan hệ đối tác mới với các trọng tâm ưu tiên: an ninh mạng, an ninh hàng hải, sẵn sàng phục hồi sau thảm họa; hợp tác công nghệ: truyền thông, vũ trụ, hạt nhân dân dụng, năng lượng tái tạo, kinh tế kỹ thuật số.

Việc nhìn lại những thành tựu, thách thức, của mối quan hệ Việt Nam-Ấn Độ sau 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, đồng thời đánh giá triển vọng thông qua xác định những khó khăn còn tồn đọng trong quan hệ giữa hai nước là vấn đề rất cần thiết và cấp thiết. Mặc dù cả hai quốc gia đang đóng một vai trò quan trọng trong bảo đảm hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhưng dưới bối cảnh toàn cầu đang thay đổi nhanh, quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Ấn Độ cần được củng cố, phát triển và mở rộng hơn nữa.[2]

Quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước có cội nguồn sâu xa trong lịch sử. Hai nước chia sẻ những mối liên hệ văn hóa và văn minh lâu dài và phong phú, cùng hướng tới nhiều giá trị chung về lòng yêu nước, truyền thống nhân văn, yêu chuộng hòa bình; tích cực ủng hộ lẫn nhau trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước. Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân hai nước cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa, phát huy vị thế, vai trò và tiềm năng của hai nước, tận dụng tốt các cơ hội hợp tác, thực hiện tốt Chương trình hành động 2021-2023 triển khai quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và Tầm nhìn chung về hoà bình, thịnh vượng và người dân đã được thông qua tháng 12/2020. Bên cạnh đó, hai bên cần đẩy mạnh hơn nữa hợp tác trên các lĩnh vực ưu tiên như công nghệ thông tin, đổi mới sáng tạo, năng lượng, chuyển đổi số, y tế, dược phẩm, du lịch, kinh tế xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, đào tạo nguồn nhân lực, văn hoá, du lịch và giao lưu nhân dân nhằm phát huy thế mạnh của hai nước để phục hồi kinh tế, phát triển bền vững sau đại dịch COVID-19.

Phó Tổng thống Ấn Độ M. Venkaiah Naidu khẳng định Ấn Độ coi Việt Nam là trụ cột chính trong chính sách hành động hướng Đông và là đối tác quan trọng trong tầm nhìn Ấn Độ-Thái Bình Dương; ghi nhận vai trò mang tính xây dựng của Việt Nam trong việc hỗ trợ các nỗ lực tiếp cận của Ấn Độ với các đối tác nhằm thúc đẩy một trật tự dựa trên quy tắc trong khu vực, bao gồm thông qua việc duy trì tuân thủ luật pháp quốc tế. Phó Tổng thống Ấn Độ bày tỏ tin tưởng hai nước sẽ tiếp tục hợp tác dựa trên sự tương đồng trong Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ-Thái Bình Dương và Sáng kiến Ấn Độ-Thái Bình Dương của Ấn Độ.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Ấn Độ cho biết quan hệ Việt Nam-Ấn Độ trong 50 năm qua không ngừng được thúc đẩy, ngày càng đi vào hiệu quả trên nhiều lĩnh vực; khẳng định Hội Hữu nghị Việt Nam-Ấn Độ và Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các đối tác Ấn Độ và các cơ quan hữu quan của hai nước tăng cường hơn nữa các hoạt động giao lưu nhân dân, giữ gìn và vun đắp tình hữu nghị, góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Ấn Độ tiếp tục phát triển lên tầm cao mới, đáp ứng lợi ích của nhân dân hai nước.[3] Từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1972 đến Đối tác chiến lược vào năm 2007, Đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2016, quan hệ chính trị - ngoại giao giữa hai nước ngày càng được củng cố và phát triển, tạo động lực mạnh mẽ cho sự hợp tác trên các lĩnh vực giữa hai nước. 

Mối quan hệ giữa hai nước được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlal Nehru đặt nền móng và các thế hệ lãnh đạo kế tiếp của hai nước dày công vun đắp, phát triển bằng những chuyến trao đổi đoàn lãnh đạo cấp cao giữa hai nước và những cam kết, thực hiện việc thúc đẩy quan hệ song phương, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương và quốc tế. Việt Nam là trụ cột quan trọng trong Chính sách Hành động hướng Đông, là đối tác quan trọng trong tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Ấn Độ. Việt Nam cũng xác định Ấn Độ là một trong những đối tác quốc tế quan trọng khi xác lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2016. Quan hệ hai nước đang có những bước phát triển tích cực trên cơ sở quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, mở rộng trên tất cả các lĩnh vực quan trọng của hai nước, góp phần đóng góp tích cực cho sự phát triển của mỗi nước.

Quan hệ thương mại và đầu tư được coi là một trong những trụ cột chính của quan hệ song phương Việt Nam - Ấn Độ và liên tục tăng trưởng ổn định qua từng năm trong suốt hơn mười năm qua. Ấn Độ là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Nam Á và là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Việt Nam tại châu Á. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ trong khối ASEAN. Tính đến hết năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu thương mại hai chiều giữa hai nước đạt 13,2 tỷ USD và đang hướng tới mục tiêu 20 tỷ USD trong thời gian tới. Ấn Độ là nhà đầu tư nước ngoài xếp hạng thứ 27 trong tổng số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam với hơn 300 dự án và tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1 tỷ USD.[4]

Cả Ấn Độ và Việt Nam đều là thành viên của Khu vực Thương mại Tự do ASEAN-Ấn Độ (AIFTA), kể từ năm 2010, theo đó thuế quan được loại bỏ đối với hơn 80% hàng hóa giao dịch giữa ASEAN và Ấn Độ. Đến năm 2024, Việt Nam sẽ phải giảm hoặc xóa bỏ thuế quan đối với tất cả các danh mục. Bất chấp việc Ấn Độ rời khỏi RCEP, (mặc dù cánh cửa vẫn mở cho Ấn Độ gia nhập hiệp định RCEP. Ấn Độ có thể đưa ra yêu cầu tương tự bằng văn bản) Ấn Độ và Việt Nam đang khám phá các con đường để tăng cường thương mại và đầu tư. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng trưởng với tốc độ trung bình hàng năm là 18% trong 10 năm từ 2009 đến 2019, so với mức 5% của Ấn Độ. Trong cùng thời gian đó, Việt Nam đạt thặng dư thương mại 47 tỷ USD, giúp cải thiện đáng kể mức thâm hụt thương mại 13 tỷ USD năm 2010. Trong khi Việt Nam xuất siêu thì thâm hụt thương mại của Ấn Độ lại tăng từ 130 tỷ USD năm 2010 lên 156 tỷ USD vào năm 2019 (Reena & Le 2022, tr. 73).

Cả Ấn Độ và Việt Nam đều hy vọng mở rộng mức độ tăng trưởng bằng cách thu hút đầu tư nước ngoài. Tổng dòng vốn FDI vào Ấn Độ trong năm tài chính 2020 là khoảng 50 tỷ đô la Mỹ. Năm 2020, Singapore có dòng vốn FDI vào Ấn Độ cao nhất, trị giá hơn 1036 tỷ rupee Ấn Độ, tiếp theo là Mauritius trị giá hơn 577 tỷ rupee Ấn Độ. Singapore là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài hàng đầu vào Ấn Độ, chiếm khoảng 30% tổng dòng vốn FDI vào năm 2020. Theo Cục Xúc tiến Công nghiệp và Thương mại Nội địa (DIPP), dòng vốn FDI và vốn cổ phần cao hơn có thể là do cải thiện sự thuận tiện trong kinh doanh và nới lỏng các quy định về FDI. Trong năm tài chính 2020, lĩnh vực dịch vụ nhận được dòng vốn FDI cao nhất, chiếm 17% tổng dòng vốn FDI vào cả nước. Tiếp theo là lĩnh vực phần mềm và phần cứng máy tính, trong khi thị phần của lĩnh vực viễn thông và thương mại lần lượt đứng thứ ba và thứ tư (Reena & Le 2022, tr. 80).

Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta có thể thấy rằng Chính phủ Ấn Độ đang nỗ lực không ngừng để thuyết phục các thành viên khác của G20 vượt qua những khác biệt và bất đồng trong nhiều lĩnh vực quan trọng, chẳng hạn như xung đột ở Ukraine và biến đổi khí hậu. Mục tiêu của họ là đảm bảo rằng G20 có thể đưa ra một tuyên bố chung, thể hiện sự đồng lòng và cam kết trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu. Trong buổi lễ khai mạc hội nghị thượng đỉnh G20 tại New Delhi vào hôm nay, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã thông báo rằng nhóm các nước đã đạt được sự thống nhất về việc mời Liên minh châu Phi (AU) tham gia như một thành viên thường trực của G20. Đây là một bước quan trọng trong việc mở rộng và đa dạng hóa sự đại diện trong G20 để tạo ra một sân chơi quốc tế thêm phong phú. Hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2023 đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng sự đồng thuận về chính sách kinh tế, nhằm giải quyết những thách thức toàn cầu đang đối diện. Điều này thể hiện sự quyết tâm của các quốc gia tham gia G20 trong việc hợp tác để đối phó với các vấn đề phức tạp và cấp bách trên trình độ quốc tế.

 

Tài liệu tham khảo
[1] Cổng thông tin điện tử Quốc hội (2022). Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ đang tiến triển tốt với nhịp độ mong muốn. 9/5/2022
[2] Báo Nhân dân điện tử (2022). 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Ấn Độ: “Nhìn lại và Hướng tới”. 15/6/2022
[3] Nguyễn Trần Xuân Sơn (2022). Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ: 50 năm gắn kết tình hữu nghị. Tạp chí Cộng sản, 7/2022
[4] Báo Tin tức (2023). Củng cố, tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam -  Ấn Độ. 21/3/2023

[5]. Reena Marwah & Le Thi Hang Nga (2022). India-Vietnam Relations: Development Dynamics and Strategic Alignment. Springer]

Chú thích ảnh: Hội thảo quốc tế "Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ: Thành tựu và Triển vọng", tháng 12/2023

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục