Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Trung Quốc và Ấn Độ ở Ấn Độ Dương

Trung Quốc và Ấn Độ ở Ấn Độ Dương

09:35 06-12-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Vào ngày 21 tháng 11, Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Trung Quốc (CIDCA) của Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) đã khai mạc Diễn đàn Khu vực Ấn Độ Dương lần đầu tiên. Hội nghị có sự tham dự của các đại diện và cựu lãnh đạo từ hơn 19 quốc gia thuộc Khu vực Ấn Độ Dương (IOR) – từ Úc đến miền nam và miền đông châu Phi. Tuy nhiên không có đại diện nào từ Ấn Độ, hoặc có lẽ, như một số phương tiện truyền thông đã đưa tin, không có đại diện nào của Ấn Độ được mời.

Chủ đề của Hội nghị này là “Phát triển chia sẻ: Lý thuyết và thực tiễn từ quan điểm của nền kinh tế xanh”, và có vẻ như tập trung vào việc tăng cường hợp tác, mở rộng nền kinh tế xanh và thúc đẩy cộng đồng hàng hải với các quốc gia IOR. Trong cuộc họp, Trung Quốc cũng đề xuất cung cấp hỗ trợ tài chính, vật chất và kỹ thuật cần thiết và thiết lập hợp tác phòng chống và giảm nhẹ thiên tai hàng hải với các nước IOR. Diễn biến mới nhất này cho thấy Bắc Kinh rất muốn thể chế hóa ảnh hưởng của mình trong IOR và thách thức hiện trạng của Ấn Độ ở ngay sân sau của họ.

Tham vọng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương được thúc đẩy bởi ba yếu tố. Về cơ bản, khi trật tự thế giới mới xung quanh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hình thành, Bắc Kinh đặt mục tiêu thách thức các cường quốc lớn khác, chẳng hạn như Ấn Độ, và thiết lập bá quyền của mình. Thứ hai, Bắc Kinh cần Ấn Độ Dương để đảm bảo an ninh năng lượng và tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng, điều xác định chính sách đối ngoại và đòn bẩy quốc tế của họ. Thứ ba, việc thiết lập các thể chế mới và thay thế với các nước IOR giúp Trung Quốc thể hiện sự hiện diện và ảnh hưởng của mình từ Biển Đông đến Ấn Độ Dương, phản ánh vị thế của nước này như một cường quốc.

Về cơ bản, Trung Quốc đã cố gắng duy trì sự hiện diện của mình tại IOR thông qua nhiều cách thức khác nhau. Bắc Kinh đã vun đắp các mối quan hệ thân thiết và cá nhân với giới tinh hoa chính trị và các đảng phái của các quốc gia IOR, thường là thông qua tham nhũng, tài trợ của đảng và bằng cách nhắm mắt làm ngơ trước các hành vi vi phạm nhân quyền và yếu kém dân chủ của họ; tình hữu nghị với các đảng chính trị khác nhau ở Pakistan; mối quan hệ thân thiết với gia tộc Rajapaksa ở Sri Lanka, và mối quan hệ thân thiết với Abdulla Yameen của Maldives và Đảng Cấp tiến của Maldives (PPM) là một số ví dụ về hiện tượng phổ biến này. Ngoài ra, Trung Quốc thường sử dụng chiến thuật tiếp cận giới tinh hoa để đảm bảo chính sách thân Trung Quốc và bỏ túi các dự án quan trọng về địa kinh tế và chiến lược. Điều này bao gồm các nhượng bộ về cảng Gwadar của Pakistan và dự án Thành phố cảng Colombo của Sri Lanka.

Các khoản đầu tư và hỗ trợ kinh tế cũng rất quan trọng đối với chiến lược Ấn Độ Dương của Trung Quốc. Với sự bùng nổ kinh tế, quốc gia này đã phát triển và tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng ở các quốc gia IOR, thường có ít điều kiện hơn và ít quan tâm đến tình hình kinh tế và chính trị của họ, do đó khiến quốc gia này trở thành đối tác hấp dẫn đối với một số nền kinh tế đang phát triển. Tuy nhiên, sự hỗ trợ này thường không rõ ràng, đồng thời khai thác và làm trầm trọng thêm các lỗ hổng cấu trúc của các nước tiếp nhận.

Trong thập kỷ qua, các khoản đầu tư như vậy của Trung Quốc đã tăng mạnh ở Pakistan, Sri Lanka, Djibouti, Maldives, Seychelles và các nước châu Phi đang phát triển khác. Tuy nhiên, việc thiếu trách nhiệm giải trình và cải cách đã làm tăng số lượng các dự án voi trắng (Voi trắng là một khoản đầu tư mà có giá trị hoặc mức độ hữu ích không phù hợp với chi phí để duy trì nó) và nợ nần chồng chất của chúng. Sri Lanka vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng kinh tế, Pakistan trên bờ vực sụp đổ kinh tế, Somalia được cho là đang tiếp cận Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Kenya đang yêu cầu Trung Quốc gia hạn thời gian trả nợ, và các khoản nợ của Djibouti đối với Trung Quốc gần như chiếm một nửa tổng sản phẩm quốc nội của nước này.

Do không thể trả được các khoản nợ này, hầu hết các quốc gia này đã chịu áp lực của Trung Quốc và tuân theo lợi ích của họ. Điều này đã tạo ra một đòn bẩy quân sự mạnh mẽ cho Trung Quốc. Ngày nay, Djibouti có căn cứ quân sự của Trung Quốc; Sri Lanka đã cho Trung Quốc thuê cảng Hambantota trong 99 năm, và dự án cảng Gwadar của Pakistan cho phép Trung Quốc tiếp cận Ấn Độ Dương. Không có gì đáng ngạc nhiên, hầu hết các quốc gia IOR cũng đã tiếp nhận tàu ngầm và tàu của Trung Quốc do áp lực của Trung Quốc – gây nguy hiểm cho an ninh của các cường quốc khu vực khác. Việc tàu do thám Trung Quốc Yuan-Wang 5 cập cảng ở Sri Lanka là ví dụ mới nhất về áp lực này.

Trung Quốc đã áp dụng nhiều biện pháp khác nhau để củng cố sự hiện diện và ảnh hưởng của mình tại IOR. Diễn đàn Ấn Độ Dương mới nhất là một cách khác để thách thức ảnh hưởng và sự hiện diện của Ấn Độ ở Ấn Độ Dương. Đây không phải là nỗ lực đầu tiên của Trung Quốc nhằm dồn ép Ấn Độ ở sân sau của nước này. Với sự bùng phát của Covid-19, Bắc Kinh đã hình thành nhiều sáng kiến với các quốc gia Nam Á khác, ngoại trừ Ấn Độ, và đã cố gắng thể chế hóa chúng. Những sáng kiến này tập trung vào phục hồi sau đại dịch, tăng cường kết nối, dự trữ vật tư khẩn cấp, xóa đói giảm nghèo và hợp tác thương mại điện tử.

Thông qua những diễn biến này, Bắc Kinh đang báo hiệu rằng, Ấn Độ Dương không còn là Đại dương của Ấn Độ và Nam Á không còn là phạm vi ảnh hưởng của Ấn Độ. Đây là một chính sách lâu dài của Trung Quốc nhưng gần đây, Bắc Kinh đã cảm thấy bất an bởi sự thúc đẩy chủ động của New Delhi ở ngoại vi của Trung Quốc dọc theo Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng lớn hơn. Bắc Kinh đang cố gắng thể hiện mình là nhà lãnh đạo mới trong thế giới đa cực mới nổi. Sau khi đầu tư vào các mối quan hệ song phương với các nước IOR, Bắc Kinh hiện đang thể chế hóa sự hiện diện và hỗ trợ của mình trong khu vực. Tuy nhiên, một trở ngại đáng kể là sự thâm hụt lòng tin ngày càng tăng đối với Trung Quốc. Việc Bắc Kinh chống lại việc tái cơ cấu khoản vay, chính sách ngoại giao bẫy nợ và sử dụng vũ lực để thúc đẩy lợi ích quốc gia và quân sự của mình chỉ càng làm tăng thêm tâm lý này. Việc Trung Quốc thiếu hỗ trợ cho Sri Lanka, mặc dù là người cho vay lớn nhất của nước này, chỉ làm tăng thêm những e ngại này.

Có lẽ quan trọng hơn là vai trò trung tâm của Ấn Độ trong khu vực và đối với các chủ thể khu vực. Về lý thuyết, New Delhi có thể bị gạt ra ngoài lề, nhưng trên thực tế, sự thành công của bất kỳ cấu trúc thể chế nào trong tương lai sẽ phải xem xét mức độ mà các quốc gia IOR có thể bỏ qua các lợi ích và mối quan tâm chiến lược của Ấn Độ.

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục