Tứ giác kim cương: Trách nhiệm chiến lược đối với Ấn Độ
Kushal Sinha*
Đối thoại Raisina tháng 1 năm 2019 tại New Delhi đã có phiên thảo luận về Đối thoại An ninh bốn bên (Quad), trong đó các quan chức quốc phòng cấp cao từ Ấn Độ, Australia, Mỹ và Nhật Bản đưa ra quan điểm của mỗi nước về nhóm này. Về nghĩa rộng, các diễn giả tập trung vào tự do hàng hải trên biển, trật tự dựa trên pháp luật ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và bày tỏ lo ngại về sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ngày càng gia tăng ở Biển Đông.
Tuy nhiên, điểm nổi bật nhất từ nhóm này là, 13 năm kể từ khi thành lập, các thành viên của nhóm vẫn chưa đi đến thống nhất về các khung khái niệm và thực tế của Quad. Để minh họa cho điều này, trong cuộc thảo luận, tuy Tham mưu trưởng Hải quân Ấn Độ, Đô đốc Sunil Lanba, từ chối bất kỳ yếu tố quân sự và vai trò nào đối với Ấn Độ trong Quad, thì Đô đốc Nhật Bản Katsutoshi Kawano định nghĩa Quad là một nhóm hợp tác quân sự.
Dựa trên động thái hiện nay, các mục tiêu chiến lược và tầm nhìn dài hạn của Ấn Độ, liệu có đáng để New Delhi hao tâm tổn sức vào nhóm này?
Mục tiêu chiến lược và tầm nhìn dài hạn của Quad và Ấn Độ
Cho đến nay, các thành viên Quad đã mô tả nhóm này là một nhóm các quốc gia có cùng chí hướng, có chung lợi ích chiến lược và kinh tế. Nghiên cứu kỹ hơn cho thấy rằng, yếu tố duy nhất ràng buộc họ trong khối là tranh chấp của họ với Trung Quốc trong vùng biển duyên hải của mỗi nước, các vùng biển đó bao gồm: khu vực Ấn Độ Dương (IOR), Biển Đông, Biển Hoa Đông (ECS) và Thái Bình Dương. Hơn nữa, mỗi quốc gia thành viên xác định các đường ranh giới địa lý của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương theo lợi ích và nhu cầu tương ứng của mỗi nước. Thật vậy, có một sự đồng thuận về vấn đề Biển Đông và ECS, nhưng dường như không có sự đồng thuận giữa các thành viên về nơi khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương bắt đầu hoặc kết thúc.
Ấn Độ hy vọng trở thành “nhà cung cấp an ninh đơn thuần” (net security provider) trong IOR và đặt mục tiêu cho Hải quân Ấn Độ vận hành một đội tàu 200 chiếc vào năm 2027. Với vị trí địa lý của Ấn Độ và các yếu tố khác, Hải quân Ấn Độ ưu tiên bảo vệ IOR chứ không phải là Biển Đông. Trong học thuyết chính thức thì ECS và Thái Bình Dương là trận địa chiến lược cốt lõi. Về mặt chiến lược, sẽ hợp lý hơn khi New Delhi tập trung và hiện đại hóa các nền tảng quân sự của mình trong IOR thay vì nhúng tay vào Biển Đông và các khu vực khác. Hiện tại, nếu New Delhi liên kết quân sự với Quad, Hải quân Ấn Độ sẽ phải thực hiện các cuộc diễn tập hải quân bên ngoài IOR. Điều này sẽ khiến năng lực của Hải quân Ấn Độ bị chia rẽ, làm suy yếu sự hiện diện của New Delhi trong IOR và làm loãng chiều sâu chiến lược.
Sau Hội nghị Thượng đỉnh không chính thức Ấn Độ - Trung Quốc tại Vũ Hán vào tháng 4/2018, quan hệ New Delhi - Bắc Kinh đang trong giai đoạn tế nhị và liên kết quân sự với Quad sẽ làm xáo trộn sự cân bằng mà Ấn Độ đang cố gắng thúc đẩy giữa Trung Quốc và phương Tây. Ấn Độ từ chối Australia tham gia vào cuộc diễn tập quân sự Mal Malarar 2018, điều này đã thu hẹp phạm vi liên kết như trên. Xét tình hình sau Hội nghị Thượng đỉnh Vũ Hán, động thái này đã bị chỉ trích và New Delhi thậm chí còn được gọi là liên kết yếu nhất của Quad. Rõ ràng là, New Delhi không muốn làm rung chuyển con thuyền với Bắc Kinh bằng cách liên kết quân sự với bất kỳ nhóm nào được thành lập đặc biệt để chống lại Trung Quốc.
Nhân tố tài chính và hậu cần
Hải quân Ấn Độ sẽ gặp khó khăn tài chính trong việc triển khai và điều động đội tàu chiến ở những khu vực không có bất kỳ lợi ích chiến lược chính nào như Biển Đông và khu vực Thái Bình Dương. Các chi phí phát sinh trong trường hợp triển khai như vậy sẽ có tính chất phi thương mại, sẽ không hội tụ với lợi ích quốc phòng của Ấn Độ do thiếu lợi ích chiến lược.
Hơn nữa, Ấn Độ không có khả năng hậu cần để mở rộng phạm vi ra phía tây eo biển Malacca để đảm bảo cung cấp ổn định các phụ tùng quan trọng cho hạm đội. Đây sẽ là một nhiệm vụ tốn kém và mệt mỏi cho Hải quân Ấn Độ do không có điểm tiếp nhiên liệu và sửa chữa lâu dài trên đường đi và vận hành máy bay hoặc động cơ cánh quạt cố định cho mục đích này sẽ làm tăng đáng kể chi phí vận hành.
Mặc dù là bên ký kết Biên bản ghi nhớ Trao đổi hậu cần (LEMOA) với Mỹ, New Delhi không thể chỉ dựa vào Thỏa thuận này và các quốc gia thành viên khác để lo hậu cần do sự khác biệt về phần cứng quân sự. Hạm đội Hải quân Ấn Độ chủ yếu được tạo thành trên nền tảng của Liên Xô / Nga hoặc bản địa, trong khi hải quân ba nước còn lại trong nhóm hoàn toàn được tạo thành từ phần cứng phương Tây kèm với một số yếu tố bản địa. Điều này không chỉ làm cho hậu cần trở thành gánh nặng, mà còn làm tăng khoảng cách về khả năng tương tác. Một nghiên cứu năm 2017 cho thấy, Hải quân Ấn Độ sẽ yêu cầu tái cấu trúc khổng lồ trị giá tối thiểu 40-50 tỷ USD mỗi năm trong thập kỷ tới để thu hẹp khoảng cách này. Đối với một quốc gia có ngân sách quốc phòng 44,6 tỷ USD, chi phí như vậy dường như vượt quá khả năng.
Con đường phía trước
Đối với Ấn Độ nói riêng, Quad không có triển vọng tham gia do không có sự rõ ràng về định nghĩa, vai trò và mục tiêu. Từ quan điểm thuận lợi của New Delhi, sự tham gia của quân đội vào khuôn khổ Quad sẽ làm xáo trộn quan hệ Ấn Độ - Trung Quốc, và cũng có thể chứng minh không khả thi về tài chính và hậu cần. Thay vì liên kết với một nhóm cụ thể nhắm vào một quốc gia duy nhất, có thể gây bất ổn cho hiện trạng, New Delhi nên theo mô hình không liên kết về quan hệ cân bằng cẩn thận giữa phương Tây, Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc.
Để duy trì khả năng mạnh mẽ trong IOR, Ấn Độ có thể xây dựng khả năng kiểm soát và khống chế trên biển bằng cách tăng cường khả năng hải quân và hiệu chỉnh lại quan hệ song phương với các nước duyên hải ở sườn phía Đông của IOR như Indonesia và các thành viên chủ chốt của ASEAN như Việt Nam. Điều này không chỉ tăng cường quan hệ song phương mà còn tăng cường chia sẻ thông tin tình báo. Nó cũng sẽ cung cấp cho Hải quân Ấn Độ quyền truy cập vào bến cảng của các nước, từ đó sẽ đóng góp tích cực vào việc duy trì sự hiện diện của hải quân Ấn Độ trong khu vực.
Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ
Nguồn: http://www.eurasiareview.com/10022019-the-quad-a-strategic-liability-for-india-analysis/
* Nhà nghiên cứu tại Chương trình Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Nghiên cứu Hòa bình và xung đột (IPCS), Ấn Độ.
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục