Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Ứng dụng của trí tuệ nhân tạo trong quân sự Trung Quốc

Ứng dụng của trí tuệ nhân tạo trong quân sự Trung Quốc

Khi sự cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng, cả cường quốc lâu đời và cường quốc mới nổi đều bị ám ảnh bởi việc bảo đảm các lợi ích chiến lược. Do các công nghệ mới nổi như Trí tuệ nhân tạo (AI) hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích trong an ninh, các quốc gia đang bận rộn tích hợp những công nghệ này vào hệ thống vũ khí của họ.

05:48 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Công nghệ AI mang lại tốc độ, độ chính xác và khả năng tiêu diệt nhanh chóng. Quốc gia nào không thể sử dụng công nghệ mới đồng nghĩa với việc bị đối thủ cạnh tranh vượt lên. Nhưng việc áp dụng AI đi kèm với nhiều thách thức. Việc máy móc được trao quyền tự chủ nhiều hơn có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro khi hệ thống máy móc đó được áp dụng trong chiến tranh. Hơn nữa, dữ liệu phải được diễn giải theo ngữ cảnh, điều mà các máy được trang bị AI hiếm khi làm được. Sau khi các hướng dẫn được cài đặt vào máy, máy chỉ tuân theo mà không cần phải có ý thức về hậu quả của hành động. Điều này có thể là tai hại, vì nó có thể dễ dàng xác định sai mục tiêu dân sự thành mục tiêu của quân đối phương. Hậu quả của các hệ thống máy được bổ sung AI vẫn còn mang tính suy đoán vì chưa có nhiều nghiên cứu về chủ đề này. Sau đây là trao đổi ngắn về khả năng áp dụng AI ngày càng nhiều của Trung Quốc và nguyện vọng đưa AI vào hệ thống vũ khí của Trung Quốc, dự báo những tác động của các công nghệ mới nổi đối với chiến lược quân sự của Trung Quốc nói riêng và chính trị quốc tế nói chung.

Trung Quốc dự kiến ​​sẽ trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu về Trí tuệ nhân tạo (AI) vào năm 2030, theo Chiến lược AI quốc gia của Trung Quốc đưa ra năm 2017. Để đạt được mục tiêu này, Trung Quốc đã khởi xướng Kế hoạch phát triển AI thế hệ tiếp theo, trong đó đầu tư cho AI 22 tỷ USD và coi AI là hợp phần chính để hoàn thành mục tiêu chiến lược. Trung Quốc rất nghiêm túc về việc bắt đầu thâm nhập vào lĩnh vực này, vì Bắc Kinh coi AI là công nghệ đột phá, nếu được phát triển có thể mang lại lợi nhuận kinh tế và chiến lược đầy hứa hẹn. Giới lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc đang tích cực thúc đẩy sự phát triển của AI, và khuyến khích giới doanh nhân hướng tới một thế giới ứng dụng nhiều AI. Trung Quốc đã theo triết lý thị trường tự do, nhưng vẫn tiến hành lập kế hoạch để đạt được các mục tiêu cụ thể, chẳng hạn như những mục tiêu liên quan đến AI, giúp định hướng cho các ngành công nghiệp quốc phòng tập trung vào đổi mới AI và các ứng dụng của AI trong đời sống. Trung Quốc đã thành lập Ủy ban phát triển phối hợp dân sự quân sự để chuyển giao các sáng tạo AI mới nhất vào lĩnh vực quân sự. Quan trọng hơn, các công ty tư nhân ở Trung Quốc muốn tham gia lĩnh vực mới mẻ này bắt buộc phải tuân thủ luật pháp Trung Quốc. Luật pháp Mỹ không có điều khoản bắt buộc như vậy, ngược lại công ty tư nhân Mỹ công khai lên án việc sử dụng AI cho mục đích quân sự. Do đó, các mối quan hệ dân sự - quân sự ở Trung Quốc phù hợp hơn với sự phát triển của AI và dễ kết hợp trong lĩnh vực quân sự. Hơn nữa, Trung Quốc có lợi thế tương đối về dữ liệu và cơ sở hạ tầng, do đại lục có quyền truy cập vào 30% dữ liệu của thế giới. Tương tự như vậy, Trung Quốc có một trung tâm đặc biệt mang tên Viện Công nghệ Bắc Kinh, chuyên phát triển và sư dụng AI trong quân sự. Nhìn chung, kế hoạch trở thành cường quốc số một toàn cầu về AI của Trung Quốc vẫn còn đầy tham vọng và trong tương lai, với sự phát triển công nghệ, nước này có thể thay thế Mỹ trở thành cường quốc công nghệ.

Các nhà hoạch định quân sự của Quân đội giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) đang dự đoán sự phát triển của các hệ thống vũ khí tự động chủ yếu là các nền tảng trên không, trên bộ, trên biển, với các thuật toán AI tự động nhận diện và tiêu diệt đối thủ. TYW-1, một phương tiện bay không người lái (UAV) độ bền cao (HALE) cùng với ASN-216 do PLAN sử dụng là các hệ thống tự động có khả năng thực hiện hạ cánh, quay phim, cất cánh độc lập không cần người điều khiển. Ngoài ra, Trung Quốc đang hết sức tối ưu hóa nhóm công nghệ tình báo. Máy bay không người lái Caihong-5, HALE nhóm A, có thể thực hiện các nhiệm vụ phối hợp với các UAV khác để tăng cường các nhiệm vụ cần sự phối hợp của nhiều máy bay không người lái. Công nghệ Swarming (công nghệ cho phép nhiều các cá nhân, tổ chức công nghệ cùng hợp tác thành nhóm để thực hiện nhiệm vụ-ND) nhằm mục đích loại bỏ các đơn vị chỉ huy trung tâm điều khiển máy bay không người lái, và trao quyền tự quyết cho các hệ thống này để giao tiếp, cộng tác và quản lý nhiệm vụ chung. Tương tự như cách các đàn kiến ​​hoạt động hoặc cách một đội bóng lập chiến lược để đạt được nhiều mục tiêu hơn. Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc (CETC) đã thể hiện khả năng như vậy khi chế tạo đội hình phức tạp gồm 200 UAV cánh cố định. Đã từng diễn ra vụ việc CETC phá hủy bệ phóng tên lửa với sự trợ giúp của UAV, bằng cách khiến bệ phóng tên lửa nhầm lẫn trong đội hình chung và sau đó phá hủy nó. Bắc Kinh còn có mưu đồ cao hơn, đó là tiêu diệt tàu sân bay bằng hàng nghìn máy bay không người lái được trang bị trọng tải để áp đảo hệ thống phòng thủ của tàu sân bay rồi ném bom tấn công. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã có những bước phát triển đáng kể trong việc sử dụng AI để nâng cao năng lực tổng hợp thông tin về vũ khí chiến tranh (wargaming), kết hợp dữ liệu và ra quyết định.

Trung Quốc đã chuyển đổi từ chiến tranh thông tin sang chiến tranh thông minh, trong đó sự tiến bộ về công nghệ, đặc biệt là AI, đã thúc đẩy những biến đổi về mặt học thuyết. Thông minh hóa là quá trình mà tốc độ máy và khả năng xử lý của AI sẽ được sử dụng để đạt được lợi thế chiến thuật và chiến lược. Sự phát triển này cho phép máy móc cũng có nhận thức, bên cạnh con người có nhận thức. Trận chiến này không phải hơn thua về vũ khí tối tân hay dàn máy hạng nặng, mà là về cách máy móc đó hoạt động trên chiến trường. Nói tóm lại, trọng tâm trong chiến tranh trong tương lai sẽ là phần mềm (quyết định sẽ được đưa ra một cách thông minh như thế nào), hơn là phần cứng của những hệ thống đó. Do đó, chúng ta có thể quan sát kết quả của cuộc chiến sẽ được quyết định bởi những công nghệ phát triển này. Theo lập luận của nhà nghiên cứu Elsa Kania trong một báo cáo cho Trung tâm Nghiên cứu An ninh (thuộc Trung tâm Nghiên cứu An ninh mới của Mỹ), việc máy móc có được khả năng nhận thức sẽ khiến con người ít được tin cậy hơn khi đưa ra quyết định, điều này đồng nghĩa với việc cuối cùng máy sẽ thay thế con người trên tiền tuyến. Tương tự như vậy, cuộc tranh luận về quyền tự chủ được giao cho những vũ khí này sẽ ngày càng phổ biến, nhưng ở Trung Quốc, theo tiêu chuẩn tổ chức của thể chế quân sự, có thể cảm nhận rằng. Trung Quốc sẽ không dễ dàng trao quyền lực cho một cỗ máy. Nhận định này đưa ra khi quan sát thấy các tướng lĩnh Trung Quốc miễn cưỡng giao quyền lực cho cấp dưới, do đó khó có khả năng họ giao cho máy móc. Nhưng điều này không có nghĩa là Bắc Kinh sẽ không xem xét khả năng giống như nhiều nhà hoạch định quân sự đã nhận định rằng, quyền chỉ huy tập trung sẽ trở nên thừa khi liên lạc với hệ thống bị chặn. Bắc Kinh đang cân nhắc để áp dụng một thuật toán AI “tích hợp sẵn” trong các hệ thống này để phòng ngừa khả năng chúng trở nên vô dụng trong chiến tranh trong tương lai.

Tư duy chiến lược của Trung Quốc bị ám ảnh với việc không phải là làm suy yếu đối thủ bằng vũ lực, mà là giành lợi thế và kiểm soát thông tin. Sẽ không sai khi tuyên bố rằng, Trung Quốc thích đối đầu về mặt thông tin, nhằm mục đích vô hiệu hóa các nguồn thông tin đến của đối thủ (vệ tinh, máy bay không người lái) và cả các trung tâm xử lý những dữ liệu nhận được (trung tâm chỉ huy ngoại vi). Trung Quốc có thể kiểm soát chúng bằng cách sử dụng các cơ chế động học được hỗ trợ bởi AI (bom, tên lửa), đặc biệt là các loại đạn dược dẫn đường chính xác có thể sử dụng công nghệ thị giác máy tính để phát hiện và xác định vị trí chính xác của mục tiêu. Hơn nữa, Trung Quốc cũng cố gắng sử dụng các phương pháp phi động học (phần mềm học máy) để phá hủy mạng thông tin của nước khác (nút trung tâm phân tán lệnh) bằng cách đưa lỗi vào hệ thống hoặc bằng cách bóp méo dữ liệu để gây bất lợi cho đối phương. Chiến lược của Mỹ tập trung vào máy bay không người lái và vũ khí tự động chống lại các lực lượng đối lập. Ngược lại, chiến lược của Trung Quốc thích vô hiệu hóa các yếu tố quan trọng của hệ thống thông tin.

Chiến lược quân sự tập trung vào thông tin của Trung Quốc có thể được biết đến qua các ấn phẩm Sách trắng về quốc phòng của Bắc Kinh. Điều vẫn nhất quán với những bài nghiên cứu được xuất bản sau năm 2002, là sự tập trung độc quyền vào việc giành quyền kiểm soát thông tin. Một nghiên cứu năm 2002 đưa ra trường hợp di chuyển theo hướng thông tin, trong khi bài báo được xuất bản vào năm 2019, lập luận về bản chất phát triển của chiến tranh được thông tin hóa, với các hệ thống thông minh. Tương tự như Mỹ, các nhà hoạch định chiến lược hiểu lợi thế của việc sử dụng công nghệ swarm và vũ khí tự động có thể áp đảo các thành lũy phòng thủ của kẻ thù, nhưng đổi lại, công nghệ này hạ thấp các tiêu chuẩn bảo mật. Nhưng họ vẫn muốn con người kiểm soát mệnh lệnh, và các máy AI giúp nhận thức liên quan đến việc chỉ định các giải pháp cho người vận hành, người chỉ huy vẫn là người ra quyết định chứ không phải hệ thống vũ khí. Tóm lại, như lập luận của Michael Damh trong một bài báo, các nhà lập kế hoạch Bắc Kinh đang đề phòng việc “con người hóa vũ khí”, có nghĩa là một số khả năng nhận thức nhất định sẽ không được đưa vào hệ thống máy móc một cách có chủ ý, bởi vì nó có thể phát triển theo hướng tốt hơn hoặc xấu hơn, dẫn đến những hậu quả tồi tệ có thể xảy ra.

Một số bài viết của PLA nhấn mạnh vào khái niệm chiến tranh Quan sát, Định hướng, Quyết định và Hành động (OODA) của Mỹ, tìm cách tăng cường yếu tố ra quyết định để có lợi thế hơn đối thủ. Nhưng đi đến quyết định nhanh hơn có thể có những bất lợi nhất định. Máy móc được lập trình để phản ứng nhanh hơn với mục đích duy nhất là vô hiệu hóa các mối đe dọa đang đến mà không cần bối cảnh hóa tình huống. Một quyết định trả đũa có thể khiến tình hình leo thang thành một cuộc chiến toàn diện khi các cỗ máy phản ứng với lực lượng ngang hàng. Nếu việc ra quyết định nằm trong bàn tay của con người, người chỉ huy sẽ luôn tìm ra các biện pháp để giảm bớt các mối đe dọa và sự bất an, đồng thời cố gắng đạt được các cuộc đàm phán và thỏa hiệp. Tóm lại, các hệ thống vũ khí hỗ trợ Al sẽ làm cho chiến tranh leo thang nhanh hơn nhiều so với việc con người đưa ra quyết định, do đó ảnh hưởng đến khả năng răn đe giữa các nước. Nhưng ngược lại, khả năng răn đe có thể được tăng cường khi các quốc gia sử dụng các hệ thống vũ khí được trang bị AI. Vì máy sẽ phản ứng theo hướng dẫn được đưa ra mà không cần quan tâm đến hậu quả, nên việc trả đũa sẽ được bảo đảm. Hơn nữa, những mối đe dọa do máy móc đưa ra không bao giờ là vô tội vạ, như đối với con người. Con người có thể bị lợi dụng để phòng thủ trong tư thế của họ, nhưng máy móc được lập trình để phản ứng chắc chắn sẽ tấn công mà không cần xem xét các yếu tố đạo đức và chủ quan. Vì vậy, về mặt lý thuyết, nếu một quốc gia giao quyền tự chủ hoàn toàn cho một hệ thống máy móc và thông tin đó được báo hiệu một cách đáng tin cậy cho kẻ thù, thì kẻ thù sẽ suy nghĩ kỹ trước khi tấn công, vì chắc chắn sẽ không thể tránh khỏi sự trả đũa. Do đó, các quốc gia không nên sử dụng một loại vũ khí duy nhất, do đó càng củng cố thêm tính răn đe trong cuộc ganh đua giữa các nước. Vì vậy, các nhà hoạch định quân sự Bắc Kinh coi việc ra quyết định (trong OODA) là then chốt sẽ gặp phải khó khăn. Trừ khi Bắc Kinh chấp nhận chi phí theo cấp số nhân của cuộc chiến, việc họ tìm kiếm lợi thế bằng cách tấn công trước thông qua hệ thống vũ khí hỗ trợ AI hầu như không hữu ích. Bất kỳ nỗ lực nào nhằm tìm kiếm lợi thế thông qua thế trận tấn công sẽ đồng nghĩa với việc kìm nén nấc thang leo thang và chạm tới ngưỡng cửa của cuộc chiến. Nhưng nếu Trung Quốc muốn sử dụng công nghệ AI để phòng thủ, thì nước này chắc chắn có thể thiết lập hòa bình, vì một cuộc tấn công vào lục địa Trung Quốc cũng sẽ bị đáp trả tương tự. Nói tóm lại, tương tự như cách vũ khí hạt nhân ngăn chặn sự leo thang sau một ngưỡng nhất định, logic tương tự sẽ áp dụng cho các hệ thống vũ khí hóa AI ở cấp thấp nhất của thang leo thang chiến tranh. Vì các cuộc tấn công qua lại là không thể tránh khỏi, điều này sẽ buộc các quốc gia tránh bị vướng vào các cuộc giao tranh và do đó dẫn đến hòa bình thế giới.

Bên cạnh đó, nhiều ấn phẩm do những người chỉ huy PLA là tác giả có xu hướng khẳng định việc sử dụng AI ở cấp độ chiến thuật, nơi mà độ chính xác sẽ đạt được mục tiêu tiêu diệt thành phần hệ thống của đối thủ dẫn đến hai bên “tê liệt” giống nhau. Lợi thế chiến trường được cho rằng sẽ thuộc về bên nào chiếm ưu thế về mặt nhận thức (giải pháp nhanh và tối ưu nhất) đặc biệt là “nhận thức, thích nghi và hành động nhanh hơn đối thủ”. Nhưng những phân tích như vậy dường như chỉ đúng khi ranh giới giữa cấp chiến thuật và chiến lược không bị xóa nhòa. Sự kết hợp của AI về mặt kỹ thuật sẽ làm mờ những sự khác biệt đó, vì việc chuyển cấp chiến thuật sang chiến lược được nhanh chóng khi hệ thống AI được sử dụng. Cục diện sẽ diễn ra theo hướng này trừ khi máy móc được tạo ra để giảm tốc độ chiến tranh và thúc đẩy đàm phán, điều này sẽ không thể thực hiện được cho đến khi nhân loại đạt được sự phát triển đáng kể trong trí tuệ nhân tạo tổng quát.

Tác giả: Rahul Jaybhay, Viện Nghiên cứu Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Kalinga.

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nguồn: http://www.kiips.in/research/chinas-ai-development-progress-military-applications-and-impact-on-chinas-military-strategy/

Bấm vào đây để đọc bản tiếng Anh của bài viết này/Click here to read the English version of this article

Nguồn:

Cùng chuyên mục