Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Ván cờ lớn mới: Cuộc chiến Trung - Ấn, Mỹ tranh giành ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Phần cuối)

Ván cờ lớn mới: Cuộc chiến Trung - Ấn, Mỹ tranh giành ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Phần cuối)

Một ván cờ lớn nhằm tranh giành ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bắt nguồn từ sự hội tụ của ba chiến lược: Con đường Tơ lụa trên biển của Trung Quốc, Hành động phía Đông của Ấn Độ và Tái cân bằng Châu Á của Mỹ.

05:20 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 1)

Ván cờ lớn mới: Cuộc chiến Trung - Ấn, Mỹ tranh giành ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Rani D. Mullen, Cody Poplin*

Để không bị qua mặt, Ấn Độ cũng đã khởi động dự án cảng của riêng mình ở Iran như một phần chiến lược nhằm tiếp cận Afghanistan và Trung Á, bỏ qua Pakistan. Ký kết năm 2002, thoả thuận Cảng Chabahar đã bị trì hoãn do các cuộc cấm vận quốc tế đối với Iran. Nay các nước P5+1 đã ký kết được một hoả thuận hạt nhân, dự án có thể được triển khai trở lại. Ấn Độ đã chi 100 triệu USD xây dựng một con đường ở Afghanistan để nối với cảng Chabahar. Gần đây, Thủ tướng Modi đã ký một thoả thuận trị giá 85 triệu USD để thuê và chuyển hai điểm neo đậu tàu ở Chahabar thành một kho cảng container vào cuối năm 2016, và Chính phủ của ông đã hứa hẹn đầu tư hơn 15 tỷ USD vào Iran nhằm phát triển toàn diện cảng Chahabar thành một cảng nước sâu để đổi lại việc mua khí đốt với giá rẻ hơn. Khi toàn bộ hệ thống cảng Chahabar mở rộng đi vào hoạt động, Ấn Độ sẽ có cách để thu hút nguồn dự trữ dầu và khí dồi dào của Iran và Trung Á về phía Nam, rời xa quỹ đạo của các thị trường năng lượng của vùng phía Tây Trung Quốc.

CUỘC TRANH GIÀNH Ở SRI LANKA

Trường hợp nghiên cứu cuối cùng này càng làm rõ bản chất cuộc cạnh tranh giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Dưới thời của Chính phủ trước, Ấn Độ đã nhường quyền ảnh hưởng ở Sri Lanka cho Trung Quốc bởi Trung Quốc đã cung cấp cho Chính quyền Sri Lanka trước các khí tài quân sự và vỏ bọc ngoại giao để nước này giành được chiến thắng trong cuộc nội chiến kéo dài 25 năm chống lại lực lượng các Con hổ Tamil. Sự tài trợ này là điều mà Ấn Độ lẫn các nước phương Tây đều không muốn cung cấp do những lo ngại về việc vi phạm nhân quyền.

Vì thế, Trung Quốc đã xây dựng được Cảng Hambantota ở phía nam Sri Lanka và giai đoạn thứ 3 của công trình xây dựng này hoàn tất vào năm nay, đây sẽ là cảng lớn nhất ở Nam Á. Trung Quốc cũng đã khởi động việc xây dựng một dự án cảng trị giá 1,4 tỷ USD gần Colombo. Thoả thuận kéo dài trong 99 năm và giao cho Bắc Kinh thẩm quyền đối với vùng đất có diện tích 50 mẫu Anh. Trên thực tế, Dự án Thành phố Cảng Colombo, theo như tên gọi của nó, sẽ là một thành phố do người Trung Quốc thuê lại, với đầy các toà nhà chung cư, trung tâm mua sắm và sân golf. Những lúc xảy ra xung đột, Trung Quốc có thể sử dụng các cơ sở này vì mục tiêu quân sự. Vào năm 2014, Sri Lanka đã trao cho Trung Quốc một dạng tiếp cận đặc quyền khi cho phép Bắc Kinh neo đậu các tàu ngầm tại Kho cảng container Nam Colombo - một cơ sở nước sâu được xây dựng và quản lý bởi các công ty Trung Quốc - thay vì là Cảng biển Sri Lanka, vốn chuyên có chức năng tiếp nhận các tàu quân sự. Chính quyền Sri Lanka khi đó đã cố gắng che giấu vấn đề này với báo chí, trái với các tuyên bố mạnh mẽ thường thấy của họ khi các nước khác viếng thăm cảng Sri Lanka.

Tuy nhiên, vào tháng 2/2015, Tổng thống mới đắc cử của Sri Lanka, Maithripala Sirisena, đã thay đổi chiều hướng này bởi chiến dịch của ông khi tranh cử tập trung chính vào các lời cáo buộc tham nhũng từ các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Sri Lanka. Chuyến thăm đầu tiên của ông là đến Ấn Độ, trong đó ký một loạt các thoả thuận nhằm tăng cường quan hệ chiến lược và kinh tế, bao gồm thoả thuận về hợp tác hạt nhân dân sự. Tổng thống Sirisena hiện nay đã tạm hoãn dự án cảng Colombo, dù Bắc Kinh đang dùng mọi lợi thế của mình để tái khởi động dự án. Trong chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi đến Sri Lanka, chuyến thăm đầu tiên của một Thủ tướng Ấn Độ trong vòng 28 năm, Ấn Độ đã đồng ý thắt chặt quan hệ chiến lược, kinh tế và quốc phòng với Sri Lanka. Modi đã cho Sri Lanka vay một khoản tín dụng trị giá 318 triệu USD để mở rộng lĩnh vực đường sắt và hai nước đã đạt được các thoả thuận cùng phát triển ngành than và dầu khí của Sri Lanka, cũng như khởi động một nhóm làm việc để phát triển kinh tế đại dương.

Hình 2: Ván cờ lớn mới chủ yếu là về các cảng biển và cuộc chiến giành quyền tiếp cận chiến lược ở Ấn Độ - Thái Bình Dương

(Chú thích: Hình tròn màu xanh dương - các cảng được hỗ trợ xây dựng bởi Ấn Độ; Hình tròn màu đỏ - các cảng được hỗ trợ xây dựng bởi Trung Quốc; Đường màu xanh dương - các tuyến đường tiếp cận được tài trợ bởi Ấn Độ; Đường màu đỏ - các tuyến đường tiếp cận được tài trợ bởi Trung Quốc; Đường gạch nối - các tuyến đường thương mại/ tiếp cận thông thường)

KHI VÁN CỜ LỚN BẮT ĐẦU

Thay vì phàn nàn về sự xâm lấn của Trung Quốc, Ấn Độ đã tập trung vào việc củng cố các mối quan hệ của mình ở Nam Á và mở rộng giao lưu với các đối tác tiềm năng bên ngoài từ Vịnh Ba Tư cho đến Biển Đông. Đồng thời, Ấn Độ đã trực tiếp thách thức các quan điểm của Trung Quốc trên khắp khu vực. Phát biểu trước Quốc hội Sri Lanka, Modi đã nhấn mạnh rằng, tầm nhìn của ông về một “khu vực láng giềng lý tưởng” là một khu vực trong đó “thương mại, đầu tư, kỹ thuật, ý tưởng và con người đi lại một cách dễ dàng”. Tầm nhìn này phù hợp với các mong muốn của Mỹ ở khu vực, được thể hiện trong “Tầm nhìn Chiến lược chung của Mỹ - Ấn Độ đối với Châu Á - Thái Bình Dương và khu vực Ấn Độ Dương” ký vào tháng 1 và sau đó xuất hiện trong “Chiến lược Biển Châu Á - Thái Bình Dương của Bộ Quốc phòng Mỹ,” đồng thời được nêu rất rõ trong chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ.

Chính sách ngoại giao của Ấn Độ nhận thức rõ thực tế rằng, các nước nhỏ muốn phát triển nền kinh tế của họ sẽ nhận viện trợ của Trung Quốc - một túi tiền khổng lồ mà Ấn Độ không thể bì kịp. Điều này có nghĩa là Ấn Độ sẽ mất đi ảnh hưởng ở những nước đó, nhưng những khoản đầu tư đó cũng hỗ trợ cho đại chiến lược của chính Ấn Độ bởi nó giúp phát triển khu vực này - một khu vực có mức độ hội nhập kém nhất nhất thế giới. Ngoài ra, Ấn Độ còn sở hữu một lợi thế riêng - đó là nét tương đồng về hệ văn hoá và giá trị với rất nhiều nước láng giềng. Và đây một tài sản mà Trung Quốc không hề có.

Vùng biển ở giữa Ấn Độ Dương và quần đảo Trường Sa tranh chấp ở Biển Đông sẽ trở thành những chiến tuyến đầu của ván cờ lớn mới trải dài trên khắp Châu Á - Thái Bình Dương. Ván cờ này sẽ phức tạp hơn nhiều so với cuộc tranh giành kiểm soát vùng Trung Á giữa đế chế Anh và Nga vào thế kỷ XIX. Những chiến tuyến này sẽ không phân biệt rõ ràng và bất khả xâm phạm, thay vào đó, tàu chiến sẽ hoà lẫn cùng với các tàu chở hàng và chở dầu trong khi các cường quốc tìm cách cân bằng sức mạnh lẫn nhau trên các tuyến đường biển. Cái lợi thu được từ ván cờ này sẽ có thể nhiều hơn, nhưng cạnh tranh cũng khó kiểm soát hơn.

Trung Quốc và Ấn Độ sẽ tiếp tục tích luỹ sức mạnh cứng mới để bảo vệ các lợi ích kinh tế của mình ở khu vực. Trong năm 2013 và 2014, Ấn Độ là nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, Trung Quốc xếp thứ ba trong năm 2013 và thứ tư trong năm 2014. Sự tăng trưởng này phản ánh một khuynh hướng lớn trong khu vực: 12 trong số 15 nước nhập khẩu vũ khí hàng đầu trên thế giới là các quốc gia trải khắp trên khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Điều này không có nghĩa là hai cường quốc của Châu Á sẽ vướng vào xung đột không thể tránh được. Thực chất, cạnh tranh có khả năng càng gia tăng lợi ích kinh tế khu vực một cách mạnh mẽ khi các nước nhận được các cơ sở hạ tầng được tài trợ bởi Trung Quốc và Ấn Độ. Sự tăng cường kết nối và thương mại cơ sở hạ tầng cũng có lợi cho cả Trung Quốc và Ấn Độ. Nhưng kết quả tích cực này đòi hỏi sự xử lý một cách chủ động từ tất cả các bên và cam kết lâu dài đối với việc cân bằng các lợi ích mâu thuẫn nhau.

Và đây chính là chỗ mà Mỹ cần bước vào. Để bảo đảm thịnh vượng chung cho tất cả các bên, ba cường quốc cần hiểu rõ những lo ngại an ninh chính đáng của nhau. Không ngạc nhiên khi đứng trước những hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông, Mỹ đã thắt chặt quan hệ song phương với Ấn Độ và kêu gọi Ấn Độ chủ động hơn ở Ấn Độ - Thái Bình Dương. Mỹ nên tiếp tục hợp tác kinh tế và an ninh biển với Ấn Độ trong khi tiếp tục làm việc với Úc, Nhật Bản và các đối tác khác, đặc biệt là các quốc gia ở rìa Ấn Độ Dương. Mỹ nên thành lập một bộ phận chuyên trách khu vực này trong các bộ ngoại giao và quốc phòng. Một sự tập trung chiến lược đối với Ấn Độ Dương với tư cách là một khu vực tổng thể là yếu tố cần thiết để đem lại thành công chính sách lớn hơn, giúp mang lại nguồn năng lượng mới cho một khu vực nơi chính sách của Mỹ hiện nay giỏi lắm cũng chỉ mới mang tính đối phó.

Mỹ cần được khu vực nhìn nhận là một đối tác tin cậy và sẵn sàng tuân thủ luật pháp và các quy chuẩn quốc tế. Sẽ là vô ích, nếu không muốn nói là phản tác dụng khi cố gắng ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc lẫn Ấn Độ. Nỗ lực vô hiệu của Mỹ trong việc cản trở các nước đồng minh chủ chốt tham gia vào Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng do Trung Quốc dẫn dắt là một ví dụ điển hình. Việc Mỹ ngoan cố không thông qua việc tái phân bổ lại quyền bỏ phiếu trong Tổ chức Tiền tệ Quốc tế năm 2010 cũng là một động thái thiếu tính toán chiến lược, đã trực tiếp dẫn đến việc hình thành nên Ngân hàng Phát triển mới do các nước thuộc nhóm BRICS lãnh đạo. Đồng thời, các cuộc phản đối ngoại giao của Mỹ về việc hình thành các đảo nhân tạo mới với đường băng ở Biển Đông liệu có ích gì khi Mỹ cho đến nay chưa tiến hành bất kỳ việc bay hay đi qua nào nhằm bảo vệ “tự do hàng hải” trong phạm vi lãnh hải 12 hải lý của các đảo mới được kiến tạo của Trung Quốc?

Washington phải làm việc với Trung Quốc và Ấn Độ, cũng như với các quốc gia khác trong khu vực để ủng hộ tự do hàng hải và đảm bảo rằng, những hành vi đe doạ nhất phải bị kiềm chế và các chuẩn mực quốc tế được củng cố. Bên cạnh đó, các chính sách hướng vào việc thúc đẩy thương mại tự do thông qua các hiệp định thương mại tự do cần phải có sự tham gia của hai cường quốc trong ván cờ lớn mới. Chỉ bằng cách đóng vai trò là một cường quốc quan trọng ở Ấn Độ - Thái Bình Dương và khi cần, sẵn sàng hỗ trợ các cam kết của mình bằng sức mạnh cứng, Mỹ mới có thể lái ván cờ đi đến kết cục có lợi cho tất cả các bên. Trong nhiều tháng qua, Thủ tướng Modi đã nhiều lần nhắc đi nhắc lại thông điệp, “Vận mệnh của chúng ta được kết nối bằng những dòng chảy của Ấn Độ Dương”. Ngài Thủ tướng hoàn toàn đúng - và điều này không nhất thiết phải mang đến một kết cục không tốt đẹp.

*Rani D. Mullen là Phó Giáo sư Đại học William & Mary và Giám đốc Chương trình Nghiên cứu hợp tác phát triển Ấn Độ tại Trung tâm Nghiên cứu chính sách, New Delhi, Ấn Độ. Cody Poplin là Trợ lý Nghiên cứu tại Viện Brooking tại Washington D.C. và là cộng tác viên biên tập của trang Lawfare. 
Nguồn: 
Foreign Affairs. (
http://nghiencuubiendong.vn/)

Nguồn:

Cùng chuyên mục