Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Văn hóa chiến lược của Ấn Độ và mối quan hệ Ấn Độ - Hoa Kỳ

Văn hóa chiến lược của Ấn Độ và mối quan hệ Ấn Độ - Hoa Kỳ

Chuyến viếng thăm gần đây của Thủ tướng Modi sang Hoa Kỳ đã gia tăng kỳ vọng cho việc tái thiết lập quan hệ Mỹ - Ấn. Sau gần một thập kỷ của sự liên kết chưa từng có này, mối quan hệ đã được nhìn nhận lại một cách sâu sắc, và bị đình trệ lại vào khoảng năm 2010 với những bất đồng nổi lên trong khu vực. Hầu hết các phân tích đã chỉ ra chính xác sự thiếu hụt trong quản lý nhà nước và mức độ khác nhau trong lợi ích vật chất của hai bên. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ khác – góc độ văn hóa chiến lược – điều này có giá trị trong việc theo dõi tiến trình phát triển của mối quan hệ, những khó khăn gần đây, và những diễn biến có thể xảy ra trong tương lai trong quan hệ giữa hai nước Ấn Độ và Hoa Kỳ.

05:51 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Văn hóa chiến lược của Ấn Độ và mối quan hệ Ấn Độ - Hoa Kỳ(*)

Sarang Shidore*

Văn hóa chiến lược nhấn mạnh sức ảnh hưởng của lịch sử và tư tưởng đến việc định hướng an ninh của một quốc gia. Theo đó, nó bổ sung thêm những phân tích khác về hành vi nhà nước dựa trên sự cân bằng quyền lực, mối đe dọa, và sự phụ thuộc lẫn nhau. Các trụ cột chính của văn hóa chiến lược của một quốc gia được đặt trong mô hình mà Alastair Johnston gọi là mô hình chiến lược trung tâm. Đây là lăng kính để xác định mục đích của chiến tranh, bản chất kẻ thù, và sự khác biệt giữa bạn và thù. Mặc dù thường được áp dụng trong các hoàn cảnh chiến tranh và xung đột, nhưng văn hóa chiến lược cũng được coi là một công cụ hữu ích trong việc tìm hiểu các mối quan hệ phức tạp và phổ biến hiện nay giữa các quốc gia bao gồm cả hợp tác và cạnh tranh.

Theo một quan điểm từ phía Ấn Độ, mối quan hệ giữa Mỹ và Ấn Độ khá đặc biệt. Mỹ không đơn thuần chỉ là một cường quốc mà còn là người thiết lập và duy trì trật tự tự do toàn cầu. Bởi vậy, Ấn Độ coi Mỹ vừa như một đối tác song phương, vừa là một đối tác toàn cầu.

Do thiếu sự hiểu biết chung trên phương diện hệ thống toàn cầu, sự khác biệt giữa hai bên về các vấn đề nhỏ hơn như thị thực xuất nhập cảnh hoặc bán lẻ đa thương hiệu đã trở thành sức ì hạn chế giao dịch buôn bán giữa hai bên một cách không tương xứng với tiềm năng.

Sự phát triển của Nhà nước Ấn Độ trong hệ thống quốc tế, với Mỹ là cường quốc dẫn đầu thế giới, đã trải qua những thay đổi rõ rệt từ khi Ấn Độ giành được độc lập cách đây 7 thế kỷ. Trong trường hợp của Ấn Độ, chúng ta có thể thấy có ba mô hình chiến lược trung tâm cùng xuất hiện trong chặng đường khó khăn của đất nước này từ năm 1947 – đó là tư tưởng luân lý, chủ nghĩa duy thực và chủ nghĩa tự do mới.

Về mặt tư tưởng, đạo đức là nền tảng thế giới quan chủ đạo của Ấn Độ, nó đóng vai trò như một nhân tố chống thực dân, với bản sắc ăn sâu bám rễ là một quốc gia thuộc Thế giới Thứ Ba. Tự chủ chiến lược, có thể hiểu theo nghĩa hẹp hơn là “không liên kết", được coi là quan trọng nhất, nó là sự tự chủ trong phát triển kinh tế, và sự nghi ngại chung đối với các cường quốc, đặc biệt là Mỹ. Mặc dù chỉ trong một thời gian ngắn ngay khi kết thúc chiến tranh biên giới Trung - Ấn năm 1962, đã có nhiều quan điểm tán thành việc Mỹ dẫn dắt trật tự thế giới, nhưng các quan điểm này nhìn chung đều xa rời chuẩn mực đạo đức.

Thập niên 80 thế kỷ XX đánh dấu một bước ngoặt trong quan niệm của Ấn Độ về hệ thống thế giới. Khi những hạn chế của việc phát triển mô hình tự cung tự cấp ngày càng hiện ra rõ hơn, Chính phủ Ấn Độ đã đưa ra quan điểm phát triển kinh doanh và sau đó là phát triển thị trường, điều này thể hiện mong muốn đưa nền kinh tế Ấn Độ hội nhập với hệ thống vốn và thương mại toàn cầu. Dấu mốc tân tự do này trong tư tưởng Ấn Độ đã mở ra một cơ hội lớn cho sự thay đổi cơ bản trong quan hệ của Ấn Độ với Mỹ - quốc gia tạo ra trật tự thế giới sau Chiến tranh Lạnh. Việc cải thiện hợp lý và nhanh chóng trong quan hệ hai nước được thúc đẩy hơn nữa bởi những đóng góp quan trọng của cộng đồng người Ấn Độ. Chủ nghĩa tân tự do Ấn Độ đã thách thức sự bất mãn của chủ nghĩa luân lý đối với trật tự toàn cầu và coi chiến lược tự chủ như một ưu tiên thứ cấp trong hệ thống thế giới.

Tuy nhiên, cùng với chủ nghĩa tân tự do, truyền thống duy thực cũng là một điểm nổi bật của thời kỳ này. Truyền thống này luôn hiện hữu ở Ấn Độ, thậm chí trong cả những năm đầu độc lập, nó được minh chứng trong hành động hợp nhất những tiểu vương quốc còn lại và tiểu bang Goa (thuộc địa của Bồ Đào Nha) của Ấn Độ. Sự ra đời chủ nghĩa khủng bố tại Ấn Độ, đầu tiên ở Punjab, và tiếp đến ở Kashmir, đã cổ vũ mạnh mẽ lời kêu gọi của truyền thống duy thực trong việc hiện đại hóa quốc phòng và thái độ chủ động hơn nữa của Ấn Độ đối với các thế lực thù địch. Sự can thiệp ở Sri Lanka và Maldives, và hai cuộc khủng hoảng với Pakistan và Trung Quốc trong những năm thập niên 80 thế kỷ XX phần nào cũng là sản phẩm của logic duy thực luận này. Hơn một thập kỷ qua, chủ nghĩa duy thực của Ấn Độ quan tâm nhiều đến viễn cảnh của một Châu Á đơn cực và ngày càng thất vọng với những thành công ít ỏi trong việc ngăn chặn các thành phần bất thường đặt căn cứ ở Pakistan.

Sự liên kết giữa Hoa Kỳ và Ấn Độ được hỗ trợ mạnh mẽ bởi chủ nghĩa tân tự do và chủ nghĩa duy thực Ấn Độ. Tuy dấu ấn của tư tưởng luân lý đang dần suy yếu nhưng tư tưởng này vẫn có sức ảnh hưởng quan trọng trong việc hình thành các hành động trừng phạt của Ấn Độ đối với Pakistan và thiết lập các giới hạn trong tiến trình tự do hóa kinh tế.

Trong tương lai, sự phụ thuộc quá mức vào khuôn khổ tư tưởng này sẽ chi phối hệ thống tôn giáo hiện thời ở New Delhi, nhưng vẫn còn quá sớm để đưa ra kết luận cuối cùng. Mặt khác, trong một viễn cảnh có khả năng xảy ra, thuyết đạo đức của Ấn Độ có thể bị suy yếu đi và thậm chí hơn thế nữa trong quan điểm của Ấn Độ về hệ thống toàn cầu. Cũng có khả năng, chủ nghĩa duy thực  đặc biệt sẽ giành ưu thế vượt trội trong tự chủ chiến lược của Ấn Độ và New Delhi sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của công cuộc hiện đại hóa quốc phòng. Tuy nhiên, chính chủ nghĩa duy thực này cùng với nhận thức nhạy bén về sự cần thiết phải tạo dựng nguồn vốn toàn cầu để đạt được các chỉ số tăng trưởng là điều Ấn Độ muốn và cần phải có, cùng với sự ưu tiên cho cơ sở hạ tầng và năng lượng như những lĩnh vực cốt lõi cho kế hoạch đầu tư. Theo nghĩa này, chủ nghĩa tân tự do đã để lại một di sản bền vững trong văn hóa chiến lược của Ấn Độ.

Vì vậy, hợp tác quốc phòng là một lĩnh vực có xu hướng liên kết mạnh mẽ với lợi ích của Mỹ trong văn hóa chiến lược của Ấn Độ. Một thị trường vũ khí 100 tỷ USD của Ấn Độ trong thập kỷ tiếp theo chứng tỏ rằng, sẽ có rất nhiều cơ hội cho xuất khẩu của Mỹ tăng trưởng mà không cần giảm bớt sự đa dạng các nguồn cung cấp, đặc biệt khi Mỹ đang thay đổi lập trường của mình về các đối trọng. Năng lượng cũng là một lĩnh vực tiềm năng khác trong quan hệ hợp tác giữa hai nước, với việc đẩy mạnh các hoạt động trợ cấp năng lượng, từng bước cải cách ngành than đá, năng lượng tái tạo, và thậm chí là đưa ra một giải pháp trong vấn đề trách nhiệm pháp lý hạt nhân trong phạm vi khả thi.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc đã đặt ra một câu hỏi hóc búa, điều này ảnh hưởng đến quan hệ Mỹ - Ấn. Mặc dù vẫn còn mơ hồ, chủ nghĩa duy thực Ấn Độ đang cố tìm cách kiềm chế sức mạnh của Trung Quốc, nhưng vẫn nhận ra giá trị của việc thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư với các nước láng giềng Châu Á. Trong khi chính sách của Washington đối với Trung Quốc vẫn chưa tiến triển thì lại xuất hiện những nghi ngại và sự bất hòa giữa hai nước. Vì vậy, New Delhi có thể sẽ phải nỗ lực đẩy mạnh hơn nữa quan hệ với các nước ASEAN để giành được đối trọng và mở rộng tầm ảnh hưởng ở khu vực Châu Á.

Một yếu tố có thể gây chia rẽ quan hệ Mỹ - Ấn là mối quan hệ Ấn Độ - Pakistan, mối quan hệ này tác động sâu rộng đến Afghanistan và Iran. Chiến lược tự chủ là một nét đặc trưng xuyên suốt văn hóa chiến lược của Ấn Độ và được thúc đẩy bởi chủ nghĩa duy thực đang lên cùng với tư tưởng luân lý còn sót lại. Điều này có thể mang lại thuận lợi cho chính sách của New Delhi trong các kịch bản mà nó có thể không phải luôn phù hợp với sự ưu tiên của Mỹ. Thách thức đối với chính phủ hai nước hiện nay là tận dụng nhanh chóng những lĩnh vực của sự hội tụ để tạo ra động lực cho mối quan hệ này, từ đó, thiết lập một nền tảng vững chắc cho một trật tự toàn cầu an toàn và thịnh vượng hơn trong thế kỷ XXI.

Người dịch: Nguyễn Thị Thu Hiền
Hiệu đính: ThS Phùng Thị Thanh Hà 

(*) Nguồn: Asia Pacific Bullentin, Number 284, Nov.3.2014

* Học giả thỉnh giảng tại Lyndon B. Johnson School of Public Affairs, The University of Texas at Austin

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục