Về chính sách đối ngoại Ấn Độ trong nhiệm kỳ thứ 3 của ông Modi
Được nhiều người kỳ vọng sẽ giành được đa số lần thứ ba liên tiếp trong cuộc bầu cử quốc hội Ấn Độ, Đảng Bharatiya Janata (BJP) của Thủ tướng Narendra Modi thay vào đó đã mất vị thế đa số và giờ phải dựa vào các đối tác của Liên minh Dân chủ Quốc gia (NDA), đặc biệt là đảng Janata Dal (United) và đảng Telugu Desam để thành lập chính phủ liên minh. Mặc dù kết quả này sẽ ảnh hưởng tức thì đối với chương trình nghị sự trong nước của ông Modi, nhưng các chính sách an ninh quốc gia và đối ngoại không phải là ưu tiên hàng đầu của quốc hội mới. Tuy nhiên, những thay đổi chính trị liên quan đến liên minh và thất bại bầu cử không lường trước được của BJP có thể ảnh hưởng đến các mối quan hệ quốc tế của Ấn Độ theo những cách quan trọng.
Thực tế mới của chính quyền Modi
Trước đây, ông Modi chưa bao giờ cần phải vượt qua những thử thách trong việc quản trị liên minh. Ông và đảng BJP phải đối mặt với những khó chịu, gây chia rẽ xa lạ do sự kém hiệu quả trong bầu cử và sự dễ bị tổn thương về mặt chính trị. Kết quả bầu cử ở Ấn Độ đã khiến mọi người bất ngờ, thể hiện sức sống dân chủ ở Ấn Độ.
Bất chấp kết quả không như kỳ vọng, BJP vẫn giành được 36,56% tổng số phiếu bầu ở Ấn Độ, chỉ kém khoảng 1% so với cuộc bầu cử năm 2019. Tuy nhiên, vì các ghế trong quốc hội của Ấn Độ đã giành được trong các cuộc tranh cử theo phương thức “đa số quá bán”, các liên minh bầu cử có khả năng biến đa số quá bán trở thành đa số tuyệt đối trong quốc hội như trong năm 2014 và 2019, hoặc không như lần bầu cử này. Do đó, mặc dù các chính sách, hoạt động và các chính trị gia của BJP rõ ràng đã mất đi một số chỗ đứng trong lòng một bộ phận cử tri Ấn Độ, nhưng kết quả cuối cùng có thể được giải thích tốt nhất bằng hiệu quả của các đảng đối lập ở Ấn Độ, được tập hợp thành Liên minh Phát triển Toàn diện Quốc gia Ấn Độ (INDIA) dưới sự lãnh đạo của đảng Quốc Đại.
Tuy nhiên, liên minh INDIA không nên bị nhầm lẫn với một đảng thay thế chính quyền trong thời gian ngắn như BJP của Modi, đảng BJP vẫn giành được 240 ghế so với 99 ghế của đảng Quốc Đại. Các đối tác trong INDIA chỉ đoàn kết bởi những gì họ chống lại – một BJP khác chiếm đa số trong quốc hội – chứ không phải bởi một hệ tư tưởng chung hoặc tầm nhìn chính sách. Việc Modi tiếp tục cầm quyền cũng không nên bị đánh giá thấp. Ông vẫn là chính trị gia Ấn Độ nổi tiếng nhất, một chính khách được công nhận trên toàn cầu và là một nhà lãnh đạo có năng lực đặc biệt, đứng đầu một bộ máy đảng khổng lồ với các nguồn lực, mối quan hệ và ảnh hưởng trên toàn xã hội Ấn Độ.
Dù như thế, những thất bại của BJP ở bang Uttar Pradesh thuộc vành đai nói tiếng Hindi bước thụt lùi chiến lược khiến họ phải tự vấn lương tâm vì 200 triệu công dân của bang này được kỳ vọng sẽ vẫn là nguồn sức mạnh vững chắc cho họ. Điều này đặc biệt đúng vì một trong những nhà lãnh đạo chính trị được nhắc đến thường xuyên nhất với tư cách là người kế nhiệm tiềm năng của Modi – Yogi Adityanath, người theo chủ nghĩa dân tộc Ấn Độ giáo cứng rắn – là thủ hiến của bang đó. Những lời buộc tội và đấu tranh phe phái gần như chắc chắn sẽ nổi lên, nhưng thật khó dự đoán đảng này và các tổ chức dân tộc chủ nghĩa theo Ấn Độ giáo có liên quan của nó như Rastriya Swayamsevak Sangh sẽ đi về đâu.
Chính sách đối ngoại của Ấn Độ sẽ ra sao?
Các cuộc bầu cử ở Ấn Độ hầu như không xoay quanh chính sách đối ngoại, nhưng kết quả của chúng thực sự mang lại hậu quả. Cuộc bầu cử ở Ấn Độ ảnh hưởng đến quá trình hoạch định chính sách, hệ tư tưởng và thế giới quan của chính phủ cầm quyền cũng như số phận của các chính khách.
Trong hầu hết lịch sử độc lập của Ấn Độ, quốc hội thông qua các cuộc tranh luận, thậm chí sự can thiệp của các nghị sĩ đã đóng một vai trò quan trọng trong quá trình hoạch định chính sách. Nhưng từ năm 2014-2024, thế đa số của BJP đã cho ông Modi khả năng biến quốc hội thành một cơ quan ít khi bất đồng với BJP. Câu hỏi quan trọng trong tương lai là liệu các đối tác trong liên minh của ông Modi có buộc BJP trở lại trạng thái trật tự quốc hội bình thường hay không. Có thể hình dung rằng họ sẽ không làm như thế, mà thực hiện quyền lực của mình thông qua đàm phán trực tiếp với BJP.
Tuy nhiên, nếu trật tự quốc hội bình thường trở lại, nó có thể làm phức tạp một số chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của ông Modi, ít nhất là khiến chúng phải chấp nhận những cuộc tranh luận sôi nổi của công chúng. Một số sáng kiến có thể bị ràng buộc trong các trò chơi chính trị kéo dài. Đó là trường hợp xảy ra vào năm 2008 khi Thủ tướng Quốc Đại là Manmohan Singh phản đối cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm về việc ban hành thỏa thuận hạt nhân dân sự của Ấn Độ với Mỹ. Đối với BJP, các sáng kiến an ninh quốc gia gây tranh cãi có thể phải đối mặt với sự giám sát mới và liên tục, cũng như các thỏa thuận mua sắm quốc phòng lớn với Mỹ và các nhà cung cấp nước ngoài khác.
Giống như trước đây, các quyết định về ngân sách và mua sắm có thể trở thành tâm điểm của các cuộc tranh cãi chính trị nghiêm trọng, điều mà phần lớn đã được tránh trong hai nhiệm kỳ đầu tiên của Modi. Một chút bất ổn chính trị sẽ gây ra rủi ro lớn hơn bình thường đối với các bộ trưởng và quan chức Ấn Độ chịu trách nhiệm ký kết các thỏa thuận lớn. Ngược lại, điều đó sẽ tạo ra những trở ngại mới cho các khoản đầu tư táo bạo vào quốc phòng hoặc các thỏa thuận thương mại và đầu tư mang tính đột phá cần thiết để thúc đẩy chương trình nghị sự đầy tham vọng của ông Modi trên trường thế giới.
Tuy nhiên, chính sách an ninh quốc gia và đối ngoại có thể không phải là vấn đề ưu tiên đối với một quốc hội mới, và các đối tác liên minh của BJP quan tâm nhiều hơn đến các chủ đề khu vực và chủ yếu mang tính địa phương. Hơn nữa, văn phòng thủ tướng không cần nhiều luật để quản lý các hoạt động cốt lõi là ngoại giao và an ninh quốc gia và trong những năm gần đây đã tập trung quyền lực của mình vào hoạt động của các bộ và cơ quan liên quan, chẳng hạn như các cơ quan tình báo của Ấn Độ báo cáo cho thủ tướng thông qua cố vấn an ninh quốc gia.
Ngoài động lực của nghị viện và liên minh, nếu công chúng Ấn Độ nhận thấy rằng vị thế thống trị của BJP đã mất, thì chỉ điều đó thôi cũng có thể bắt đầu mở lại không gian cho giới truyền thông, các tổ chức nghiên cứu và giới học thuật theo đuổi công việc nghiên cứu điều tra và phân tích vốn ngày càng bị cản trở trong thập kỷ đã qua. Công việc đó thúc đẩy và nuôi dưỡng các cuộc tranh luận chính sách lành mạnh; nó là một phần cần thiết của vòng lặp trách nhiệm giải trình giữa một chính phủ dân chủ và công dân. Ngoài ra, một quy trình hoạch định chính sách đối ngoại minh bạch và có trách nhiệm hơn cũng sẽ khiến Ấn Độ trở thành một chủ thể đáng tin cậy và dễ dự đoán hơn trên trường thế giới. Nhưng những thay đổi này gần như chắc chắn sẽ mất thời gian.
Có thể cho rằng, một BJP mất thế đa số sẽ kiểm chế việc thúc đẩy hệ tư tưởng chủ nghĩa dân tộc Ấn Độ giáo và có nhiều khả năng hướng tới một đường lối thực dụng hơn với các đối tác liên minh. Nhưng khi nói đến chính sách đối ngoại của Ấn Độ, một chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ dường như được phổ biến rộng rãi ngoài những người trung thành với BJP, và thật khó để nhận ra chính xác thế giới quan của Modi chệch hướng theo hướng chủ nghĩa dân tộc Ấn Độ giáo ở phương diện nào.
Luận điệu ngoại giao của chính quyền Modi thực sự áp dụng một cách diễn đạt mới, thay thế khuynh hướng thiên tả trước đây (chẳng hạn như “không liên kết”) bằng các thuật ngữ khác (như “tự chủ chiến lược”) và “Bharat” thay vì “Ấn Độ”. Ông Modi cũng đã thực hiện các bước để hiện thực hóa cam kết đóng vai trò “Vishwaguru” (người dẫn dắt), bằng cách đăng cai tổ chức G-20 vào mùa thu năm ngoái, hay tham hơn là việc củng cố một “Akhund Bharat” hay “Ấn Độ không chia tách” phần lớn vẫn ở giai đoạn manh nha.
Điều quan trọng nhất, trong thập kỷ qua, các mối quan hệ quốc tế quan trọng của Ấn Độ – với Mỹ, Trung Quốc, Nga, Pakistan – dường như chưa bao giờ bị chi phối hoàn toàn bởi những ràng buộc ý thức hệ giáo điều. Mô hình này có thể sẽ tiếp tục tồn tại. Mặt khác, chính xác là vì BJP và Modi sẽ thực hiện quyền kiểm soát lớn hơn đối với chính sách đối ngoại của Ấn Độ (so với chính sách trong nước), nên họ có thể chọn cách trình bày các tham vọng và quyết định về chính sách đối ngoại của mình theo các thuật ngữ ngày càng mang tính ý thức hệ.
Thụt lùi chính trị của ông Modi cũng đặt ra câu hỏi về số phận của chính ông với tư cách là chính khách hàng đầu của Ấn Độ. Cho đến nay, Modi là gương mặt không thể nghi ngờ của Ấn Độ; rất ít đối tác nước ngoài tìm người kế nhiệm hoặc xây dựng mối quan hệ với các chính trị gia Ấn Độ khác như một chiến lược dài hơi. Điều đó gần như chắc chắn sẽ vẫn đúng trong thời gian tới, nhưng sẽ bắt đầu thay đổi nếu Modi có dấu hiệu thụt lùi, nếu nếu liên minh cầm quyền của ông bắt đầu rạn nứt.
Một hậu quả ngắn hạn của sự trượt dốc quyền lực tương đối của ông Modi có thể xảy ra trong bối cảnh mối quan hệ khó khăn của Ấn Độ với Trung Quốc. Sự trở lại được chờ đợi từ lâu của đại sứ Trung Quốc tại New Delhi vào tháng 5 cho thấy Bắc Kinh và New Delhi đã sẵn sàng theo đuổi bình thường hóa quan hệ sau cuộc bầu cử ở Ấn Độ. Logic chính trị và chiến lược có vẻ hợp lý. Trung Quốc, dự đoán rằng ông Modi sẽ giành được đa số phiếu lớn khác, có thể muốn đạt được một thỏa thuận nhằm giảm bớt căng thẳng song phương trong suốt nhiệm kỳ 5 năm của ông. Ông Modi, cũng đang dự đoán một chiến thắng bầu cử vững chắc, sẽ tận dụng vị thế chính trị không bị thách thức ở trong nước để có được lập trường có lợi trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc.
Tuy nhiên, hiện nay, nếu Bắc Kinh nhận thấy ông Modi đang gặp khó khăn về mặt chính trị, họ có thể suy nghĩ lại các tính toán đàm phán của mình và có đường lối cứng rắn hơn. Ngoài ra, ông Modi có thể trì hoãn bất kỳ hoạt động tiếp cận nào với Trung Quốc để tránh những lời chỉ trích từ các đối thủ chính trị trong nước của ông.
Chiều hướng nào cho quan hệ Mỹ-Ấn
Kết quả bầu cử ở Ấn Độ cũng sẽ ảnh hưởng đến cách các quốc gia khác – bao gồm cả Mỹ – nhìn nhận về Ấn Độ và ông Modi. Trong nhiều thập kỷ, các nhà hoạch định chính sách của Washington ở cả hai đảng đã coi New Delhi là đối tác chiến lược đương nhiên và là đối trọng với Trung Quốc. Những người ủng hộ mối quan hệ chặt chẽ hơn với New Delhi giờ đây sẽ ca ngợi sự khó đoán của các cuộc bầu cử ở Ấn Độ và thực tế là BJP đã bị cử tri Ấn Độ hạ thấp như một bằng chứng cho thấy nền dân chủ của Ấn Độ. Họ có nguy cơ đánh giá quá cao lập luận đó, nhưng rõ ràng kết quả bầu cử ở Ấn Độ sẽ khiến lưỡng đảng ở Washington thở phào nhẹ nhõm, ít nhất là tạm thời.
Mặt khác, Mỹ và các nước khác có thể sớm hoài niệm kỷ nguyên thống trị chính trị của Modi, vì thực tế mới ở New Delhi tuy có lẽ tự do hơn và ít đàn áp hơn, nhưng cũng có thể trở nên hỗn loạn và phức tạp hơn đối với các nhà hoạch định chính sách Mỹ, những người đã trong thập kỷ qua đã quen với việc làm việc trực tiếp với một người ra quyết định đầy quyền lực và các cấp phó hàng đầu của ông ta thay vì cần phải nuôi dưỡng một phạm vi rộng hơn các chính trị gia và nhóm lợi ích của Ấn Độ. Trong trường hợp xấu nhất, chính phủ mới của ông Modi có thể quá mệt mỏi với những công việc trong nước đến mức thiếu băng thông để theo đuổi một chương trình nghị sự hợp tác hiệu quả với Hoa Kỳ.
Hai nhiệm kỳ đầu tiên của Modi đã phá vỡ truyền thống chính trị Ấn Độ theo nhiều cách khác nhau, nhiệm kỳ thứ ba sẽ không khác. Tuy nhiên, ngay cả khi lịch sử là một hướng dẫn không hoàn hảo để điều hướng trạng thái bình thường mới của New Delhi, Washington sẽ khôn ngoan khi loại bỏ các vở kịch ngoại giao của mình từ các thời kỳ liên minh trước đó để rút ra bài học khi vở kịch chính trị không lường trước được của Ấn Độ diễn ra.
Nguồn:
CIS- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Hướng đến mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa Ấn Độ và Malaysia
10 năm CIS 04:00 10-09-2024
Singapore như cầu nối của Ấn Độ đến Đông Nam Á
10 năm CIS 03:00 07-09-2024
Làm thế nào để Ấn Độ thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình
10 năm CIS 11:00 09-09-2024
Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ làm việc với tân Phó Đại sứ Ấn Độ
10 năm CIS 02:17 23-08-2024
Việt Nam-Ấn Độ: Xứng tầm chiến lược toàn diện
10 năm CIS 04:00 14-08-2024