Viễn cảnh hợp tác mới trong quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ
Nhân dịp Chủ tịch nước Trần Đại Quang có chuyến thăm cấp nhà nước tới Cộng hòa Ấn Độ (từ ngày 2-4/3/2018), phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn giáo sư, tiến sỹ Pankaj Jha về quan hệ hai nước.
Giáo sư Pankaj Jha cho biết, trong 3 năm trở lại đây, các hoạt động tích cực trong quan hệ Ấn Độ - Việt Nam đã mở ra những viễn cảnh hợp tác mới giữa hai bên. Điều này bao gồm sự hiểu biết chính trị về các lĩnh vực quan tâm chủ chốt, các lĩnh vực quốc phòng và chiến lược, tăng cường thương mại và đầu tư, nâng cao năng lực trong chế tạo, giáo dục, y tế, năng lượng, trong đó có năng lượng tái tạo và năng lượng không tái tạo, nông nghiệp với trọng tâm tập trung vào nghiên cứu nông nghiệp và phát triển các giống lúa mới, tăng cường quan hệ du lịch, văn hóa và kết nối cả về cơ sở hạ tầng và kỹ thuật số, tăng cường tín dụng và tìm kiếm những lĩnh vực mới của quan hệ đối tác đang phát triển.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Bộ trưởng Ngoại giao Sushma Swaraj và Cố vấn An ninh Quốc gia Ajit Doval đã thăm Việt Nam.
Ở chiều ngược lại, nhiều lãnh đạo Việt Nam cũng đã thăm Ấn Độ, trong đó có chuyến thăm gần đây của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc để dự Hội nghị cấp cao Ấn Độ - ASEAN, chuyến thăm của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Trước đó là chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và nay là chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Những hoạt động tích cực nói trên rõ ràng thể hiện thực tế là hai nước sẵn sàng đưa quan hệ lên một tầm mới và đà phát triển chậm trước đây đã chuyển thành sự tương tác mạnh mẽ.
Với thực tế Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á và Ấn Độ là nền kinh tế đang phát triển nhanh nhất ở châu Á, hai nước cần phải hợp tác với nhau. Trong tương lai, thương mại và đầu tư giữa Ấn Độ và Việt Nam sẽ tăng trưởng và các lĩnh vực có thể chứng kiến sự phát triển mạnh là giáo dục, y tế, sản xuất sử dụng công nghệ thấp và cả nông nghiệp.
Trong bối cảnh ấy, giáo sư Pankaj Jha cho rằng, chuyến thăm của Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang là một sự kiện quan trọng. Chuyến thăm cần giải quyết các vấn đề liên quan đến xây dựng một chương trình nghị sự chung cho Kế hoạch Hành động 2018-2020 để thực hiện và triển khai các biện pháp triển khai hiệu quả quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện đã được ký kết trong chuyến thăm của Thủ tướng Modi đến Việt Nam.
Theo giáo sư, hai bên cũng cần phải cần thúc đẩy hợp tác hơn nữa trong lĩnh vực quốc phòng và sản xuất quốc phòng, hợp tác trong lĩnh vực không gian, trao đổi các đoàn cấp cao, triển khai và đào tạo các sỹ quan quân đội tại các cơ sở của nhau, đối thoại quốc phòng và đối thoại chiến lược định kỳ hàng năm, hợp tác dịch vụ trong lĩnh vực hàng không quân sự, tín hiệu, radar và thúc đẩy các chuyến thăm thường xuyên của tàu hải quân.
Hai nước cần xây dựng kế hoạch thường niên nhằm tăng cường đào tạo và nâng cao năng lực, tạo điều kiện dễ dàng cho việc mua sắm thiết bị quốc phòng cùng với điều chỉnh kế hoạch thanh toán hoặc sử dụng các khoản tín dụng và liên doanh phát triển các công nghệ trọng yếu.
Ngoài ra, ông cho rằng hai bên cần thảo luận về cách thức biến các cơ chế khu vực khác nhau như Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) và cả Diễn đàn Hàng hải ASEAN mở rộng trở nên hiệu quả hơn. Các tổ chức này có khả năng giải quyết và đưa ra các sáng kiến đối thoại về những vấn đề rất quan trọng song đến nay vẫn chưa phát huy hết tiềm năng. Hai bên phải xem xét các công nghệ mới đang phát triển trong lĩnh vực dân sự, trong đó có trí thông minh nhân tạo, robot và các lĩnh vực như luyện kim và phát triển vật liệu composite.
Về vị trí cũng như vai trò của Việt Nam trong chính sách "Hành động hướng Đông" của Ấn Độ, theo giáo sư Pankaj Jha, Ấn Độ và Việt Nam gần đây đã kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Trên thực tế, quan hệ giữa hai nước đã khởi nguồn từ lâu. Mối quan hệ hữu nghị giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Jawaharlal Nehru và Tổng thống Rajendra Prasad đã tạo cảm hứng cho nhiều nhà lãnh đạo dân tộc chủ nghĩa trên khắp Ấn Độ và Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là một biểu tượng với quần chúng nhân dân Ấn Độ. Quan hệ này có tính lâu bền và thân thiết. Do đó, Việt Nam có một vị trí quan trọng trong chính sách "Hành động hướng Đông" và là một trong những tầm nhìn trong chính sách này.
Giáo sư Pankaj Jha đánh giá mối quan hệ này ngày càng theo hướng có mục tiêu hơn và điều tốt đẹp là cả hai bên đều muốn tăng cường quan hệ trên nhiều lĩnh vực. Việc cần làm bây giờ là đề ra một kế hoạch hành động và thực hiện kế hoạch này bằng tất cả khả năng tốt nhất của hai bên. Sự hiểu biết chính trị giữa hai bên rất sâu và việc Việt Nam ủng hộ Ấn Độ trở thành ủy viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cho thấy sự tin cậy giữa hai nước.
Ấn Độ đang muốn trở thành thành viên trong APEC và các thể chế liên quan khác để có thể hội nhập tốt hơn với trật tự kinh tế toàn cầu. Hai nước đều là thành viên trong Hội nghị cấp cao Đông Á và các thể chế liên quan tới ASEAN, tạo nền tảng cho việc phát triển hơn nữa hiểu biết và hợp tác cũng như hướng tới việc duy trì hòa bình và hài hòa trong khu vực.
Bên cạnh đó, giáo sư Pankaj Jha cho rằng vẫn có rất nhiều tiềm năng trong các lĩnh vực như nghiên cứu và phát triển trong quốc phòng, liên doanh trong phát triển vũ khí phi sát thương, luyện kim, bảo trì và sửa chữa, không gian, trí thông minh nhân tạo, nông nghiệp, thủy sản, chăn nuôi gia súc, trồng hoa, nuôi tằm, sản xuất điện và hiệu suất năng lượng, quản lý thảm họa, các hệ thống cảnh báo sớm, trao đổi thông tin tình báo và thông tin nói chung.
Về mặt cấu trúc tài chính và phát triển các thị trường vốn, cần trao đổi thông tin và phát triển những bổ sung sao cho đầu tư vào lĩnh vực này có thể trở nên dễ dàng hơn.
Giáo sư Pankaj Jha cũng nhắc đến những khó khăn trong quan hệ thương mại và kinh tế giữa hai nước khi vấn đề nảy sinh giữa hai nước là Việt Nam và Ấn Độ lại cạnh tranh cùng một số mặt hàng trên thị trường quốc tế, trong đó có tiêu, càphê, chè và gạo. Ngoài ra, những vấn đề về đồng bộ hải quan và danh sách dài các hạng mục sản phẩm có tác động tiêu cực đến thương mại song phương gây cản trở cho khả năng tăng cường thương mại giữa hai nước. Do đó, cả hai bên cần phải giảm thiểu những vấn đề này.
Giáo sư Pankaj Jha hiện là giảng viên cao cấp của Trường Quan hệ Quốc tế (JSIA) thuộc Đại học toàn cầu Jindal và cũng là Tổng Biên tập của Tạp chí JSIA. Ông giảng dạy về chiến lược quốc gia, an ninh quốc tế và quốc phòng cho sinh viên sau đại học. Ông là giáo sư thỉnh giảng của Trung tâm Nghiên cứu An ninh Quốc tế, Đại học Sydney (2009) và Viện Nghiên cứu Nam Á, Singapore (2006). Ông từng làm việc với tư cách là thành viên của Hội đồng các vấn đề thế giới và thành viên của Viện Nghiên cứu Quốc phòng và Phân tích trong 6 năm. Ông Pankaj Jha nguyên là Giám đốc (Nghiên cứu) Hội đồng các vấn đề thế giới của Ấn Độ (2014-2017), nguyên Phó giám đốc Ban Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia (2012-2013) và có quan hệ chặt chẽ với bộ máy an ninh quốc gia ở Ấn Độ. Ông cũng từng là thành viên các phái đoàn cấp cao đến Anh, Israel và các nước khác. Ông cũng từng giảng bài và tham dự các cuộc đối thoại cấp cao ở Đức, Bỉ, Israel, Trung Quốc, New Zealand và Australia. Giáo sư Pankaj có hơn 80 bài viết/tài liệu học thuật và thường xuyên được trích dẫn trong các tờ báo và tạp chí quốc tế như Nikkei Asian Review, South China Morning Post, Bangkok Post, Gulf News và International Business Times./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/vien-canh-hop-tac-moi-trong-quan-he-giua-viet-nam-va-an-do/490348.vnp
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục