Việt Nam-Ấn Độ: Xứng tầm chiến lược toàn diện
Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Ấn Độ của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính, vốn được mong đợi từ lâu, diễn ra từ ngày 30/7-1/8 với nhiều ý nghĩa quan trọng.
Đó là quan điểm của TS. Rajaram Panda* trong bài viết mới đây trên trang Eurasia Review. Trích dẫn tuyên bố báo chí bằng tiếng Hindi của Thủ tướng Narenda Modi, được đăng tải ngay sau khi hai nước ra Tuyên bố chung về tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, tác giả cho biết, người đứng đầu chính phủ Ấn Độ đánh giá Việt Nam là một đối tác quan trọng trong chính sách Hành động hướng Đông và Tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của nước này. Thủ tướng Modi tái khẳng định về việc Ấn Độ ủng hộ sự phát triển, “không phải chủ nghĩa bành trướng” cũng như gián tiếp đề cập những lo ngại về động thái quân sự tại khu vực trong thời gian qua.
Sự tiếp nối chiến lược
Hai bên đã thông qua một chương trình hành động nhằm mở rộng mối quan hệ chiến lược và cam kết cùng nhau hợp tác vì một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở, dựa trên luật lệ và thịnh vượng. Hai nước cũng đã ký 6 biên bản ghi nhớ (MoU) và hoàn thiện 3 văn bản khác nhằm mở rộng hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Trong số các nước thành viên ASEAN, đất nước hình chữ S nổi lên như một đối tác quan trọng của Ấn Độ trên cả phương diện thương mại và an ninh. Trong khi đó, Việt Nam cũng đang tìm cách tăng cường quan hệ quốc phòng và an ninh với đất nước sông Hằng.
Chương trình hành động mới được đưa ra nhằm củng cố mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện được thiết lập vào năm 2016 trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Modi. Chuyến thăm này được đánh dấu bằng sự tin cậy chính trị ở mức độ cao và sự hợp tác đầy hiệu quả trên các lĩnh vực quốc phòng, kinh tế - thương mại và đầu tư, văn hoá – giáo dục và giao lưu nhân dân.
Ấn Độ đã quyết định cung cấp hạn mức tín dụng 300 triệu USD cho Việt Nam với mục tiêu chủ yếu là tăng cường an ninh hàng hải. Cả hai bên nhất trí tăng cường hơn nữa những nỗ lực vì hoà bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông, giải quyết hoà bình các tranh chấp dựa trên nguyên tắc tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982. Hai nước cũng cam kết vì sự an toàn, an ninh và tự do hàng hải, hàng không.
Trong lĩnh vực thương mại và đầu tư, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất hai bên nên có một cơ chế mới nhằm tăng cường hơn nữa thương mại song phương trong vòng 3-5 năm tới. Để hiện thực hoá điều này, Việt Nam và Ấn Độ quyết định thành lập cơ chế ngoại giao kinh tế ở cấp Thứ trưởng Ngoại giao.
Phát biểu tại Hội đồng các vấn đề thế giới của Ấn Độ (ICWA), Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất hai nước nên thảo luận về một thỏa thuận hợp tác thương mại và kinh tế mới. Thủ tướng cũng kêu gọi Ấn Độ đầu tư nhiều hơn vào các lĩnh vực then chốt như cơ sở hạ tầng, kết nối hàng hải và hàng không, dầu khí.
Bên cạnh đó, một thoả thuận đã được ký kết giữa Ngân hàng trung ương của hai nước nhằm triển khai kết nối thanh toán kỹ thuật số. Thủ tướng Modi cam kết tăng cường hợp tác cùng giải quyết các vấn đề khủng bố và an ninh mạng. Hai bên đều nhất trí rằng mục tiêu trở thành quốc gia phát triển của Ấn Độ vào năm 2047 và của Việt Nam vào năm 2045 đã thúc đẩy sự phát triển của cả hai nước và mở ra cơ hội hợp tác trong nhiều lĩnh vực mới, bao gồm cả quốc phòng, nhằm làm sâu sắc hơn sự hợp tác song phương.
Việt Nam hoan nghênh vốn đầu tư của Ấn Độ vào các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông tin, các ngành sản xuất dệt may, chất bán dẫn và năng lượng tái tạo. Cùng với đó, Ấn Độ cũng đang tìm kiếm nguồn đầu tư từ Việt Nam vào nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, chế biến gỗ, phát triển đô thị, lâm sản và các sản phẩm từ tre, kỹ thuật số và xe điện. Do đó, trong khi củng cố các lĩnh vực hợp tác truyền thống, Việt Nam và Ấn Độ có mong muốn và kế hoạch mở rộng sang các lĩnh vực mới nổi theo nguyên tắc tin cậy chính trị cao hơn, hợp tác chung rộng rãi hơn trong khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo cũng như trao đổi văn hoá và giao lưu nhân dân mật thiết hơn.
Những bước đi đột phá
Kể từ chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Modi, thương mại hai chiều đã tăng gấp 3 lần, từ hơn 5 tỷ USD năm 2016 lên 15 tỷ USD vào năm 2023. Hai bên nhất trí áp dụng các biện pháp mạnh mẽ nhằm tăng gấp đôi thương mại và đầu tư vào năm 2030, bao gồm chỉ đạo các cơ quan liên quan tận dụng những cơ chế hiện có để trao đổi thường xuyên nhằm xoá bỏ rào cản thương mại và đẩy mạnh các nỗ lực xúc tiến thương mại.
Bên cạnh đó, việc mở đường bay thẳng đầu tiên giữa hai nước vào năm 2019 đã giúp lượng khách du lịch Ấn Độ tới Việt Nam tăng đáng kể, từ 170.000 người vào năm 2019 lên 400.000 người vào năm 2023. Hiện tại, có hơn 56 chuyến bay hằng tuần giữa các thành phố lớn của hai nước.
Hợp tác quốc phòng và thành tố chiến lược, cùng với các khía cạnh kinh tế và văn hoá của quan hệ song phương đã nở rộ trong suốt 52 năm kết từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao (7/1/1972), đáp ứng lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân hai nước. Hai bên đều cam kết duy trì thường xuyên trao đổi đoàn các cấp qua nhiều kênh khác nhau và quyết định về cuộc gặp thường niên của hai Thủ tướng, thông qua các chuyến thăm hoặc bên lề các hội nghị đa phương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Modi cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hơn nữa vai trò của cơ chế Ủy ban hỗn hợp Việt Nam-Ấn Độ do hai Bộ trưởng Ngoại giao đồng chủ trì nhằm rà soát và cụ thể hoá hợp tác cũng như giám sát việc thực hiện hiệu quả Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Ấn Độ giai đoạn 2024-2028.
Trong bối cảnh Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác quốc phòng Việt Nam-Ấn Độ đến năm 2030 đã được ký kết vào năm 2022, hai Thủ tướng cam kết mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực công nghiệp quốc phòng và an ninh, an ninh hàng hải, xây dựng quan hệ đối tác tin cậy trong an ninh mạng, chia sẻ thông tin tình báo và chống khủng bố. Ấn Độ cũng cam kết tiếp tục hỗ trợ đào tạo và bồi đắp năng lực cho lực lượng quốc phòng và an ninh của Việt Nam.
Cùng với đó, Việt Nam mong muốn Ấn Độ tích cực xem xét các đề xuất từ các doanh nghiệp Việt Nam liên quan đến việc cấp và gia hạn giấy chứng nhận của Cục Tiêu chuẩn Ấn Độ (BIS) cho hàng hoá nhập khẩu từ Việt Nam. Ngoài ra, việc ký kết sớm các thoả thuận về thương mại song phương và thương mại điện tử sẽ góp phần khai thác triệt để thị trường bán lẻ đang lên. Các lĩnh vực hợp tác mới đầy tiềm năng là công nghệ lõi, trí tuệ nhân tạo, đổi mới sáng tạo, công nghệ khai thác và chế biến đất hiếm, hướng tới việc sớm thành lập Diễn đàn đối tác kỹ thuật số cũng như ký kết thoả thuận đối tác kỹ thuật số.
Ấn Độ hoan nghênh quyết định tham gia Liên minh cơ sở hạ tầng chống chịu thiên tai (CDRI) của Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng với sự đảm bảo về việc sớm hoàn thiện các thủ tục trong nước để chính thức gia nhập Liên minh năng lượng mặt trời quốc tế (ISA). Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đánh giá cao ý tưởng về Sáng kiến Liên minh nhiên liệu sinh học toàn cầu (GBAI) của Thủ tướng Modi và mời người đồng cấp Ấn Độ thăm lại Việt Nam.
Với những kết quả trên, theo đánh giá của TS. Rajaram Panda, đây là một chuyến thăm hiệu quả.
* Rajaram Panda: Cựu chuyên gia cao cấp tại Bảo tàng và thư viện tưởng niệm Nehru, Viện Nghiên cứu và Phân tích quốc phòng Ấn Độ (IDSA), Hội đồng về Quan hệ văn hóa Ấn Độ (ICCR), ICCR Chair tại Đại học Reitaku (Nhật Bản).
Nguồn:
baoquocte.vn- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Một thập kỷ Chính sách Hành động phía Đông của Ấn Độ
10 năm CIS 03:00 15-10-2024
Brunei và Chính sách Hành động phía Đông của Ấn Độ
10 năm CIS 09:00 20-09-2024
Ấn Độ và vai trò lãnh đạo về nhiên liệu bền vững
10 năm CIS 09:00 19-09-2024
Đảng Nhân dân Ấn Độ - BJP của Ấn Độ: Một giới thiệu ngắn gọn
10 năm CIS 08:00 12-09-2024
Hướng đến mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa Ấn Độ và Malaysia
10 năm CIS 04:00 10-09-2024