Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Việt Nam và ASEAN trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ

Việt Nam và ASEAN trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Quang Vinh, nguyên đại sứ Việt Nam tại Mỹ, khẳng định trong tổng quan chiến lược về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mới của Mỹ, vai trò của ASEAN và Việt Nam rất quan trọng.

05:07 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Bởi theo ông Vinh, Mỹ cần và không thể thiếu địa bàn chiến lược này và nói về địa chiến lược, nhìn chung các đối tác và khu vực đều coi trọng Việt Nam.

Cập nhật và nhất quán

* Ông đánh giá thế nào về thời điểm công bố tổng quan chiến lược mới của Mỹ?

- Về thời điểm, tôi thấy có mấy điểm đáng chú ý. Thứ nhất, chính quyền Tổng thống Biden bước vào năm thứ 2, sau một năm triển khai một loạt động thái về chiến lược an ninh quốc gia và đối ngoại quốc gia. Tổng quan chiến lược này sẽ là tổng hợp những gì chính quyền ông Biden làm được trong một năm qua.

Thứ hai, lúc này nước Mỹ đang "căng" trên nhiều mặt. Ngoài việc phải xử lý các vấn đề trong nước, trong đó có dịch bệnh và phát triển kinh tế, về đối ngoại có vấn đề an ninh châu Âu mà trong đó nổi lên câu chuyện căng thẳng Nga - Ukaine. Thế giới cũng muốn biết liệu chính quyền ông Biden có sa đà vào châu Âu mà xao nhãng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AĐD - TBD) không.

Nên có thể thấy ý nghĩa rất lớn của lần công bố này. Trước hết nước Mỹ dù đối mặt nhiều vấn đề nhưng tiếp tục đặt ưu tiên cao nhất cho AĐD - TBD. Thời điểm công bố chiến lược cho thấy đây sẽ là trọng tâm ưu tiên triển khai trong thời gian tới.

Tổng quan chiến lược đã cập nhật và phát triển rất nhiều từ chỉ dẫn tạm thời về chiến lược an ninh quốc gia, dù vẫn thể hiện nhất quán ưu tiên từ đầu nhiệm kỳ của chính quyền ông Biden đối với AĐD - TBD, về gia tăng vai trò của Mỹ, quan hệ với đồng minh, đối tác và các thể chế khu vực, và đặt cạnh tranh Mỹ - Trung là cạnh tranh chiến lược nhưng quản trị để không xảy ra xung đột.

* Ngoài thời điểm, các nội dung trong tổng quan chiến lược lần này có gì đáng chú ý?

- Theo tôi, trước hết, khung chính sách này mang tính chiến lược và tổng thể cả về nội hàm, địa lý và biện pháp. Đó là 5 trụ cột bao gồm cả về chính trị, an ninh, kinh tế, công nghệ, trong đó nhấn mạnh trật tự và quản trị dựa trên luật lệ, trên các lĩnh vực, kể cả an ninh, tự do hàng hải, hàng không. Về khu vực địa chiến lược, lần đầu tiên Mỹ nêu AĐD - TBD đầy đủ nhất, từ Nam Á, Đông Bắc Á, Đông Nam Á, đến cả các quần đảo ở Thái Bình Dương.

Thứ hai, Mỹ tiếp tục đề cao vai trò đồng minh, đối tác và các thiết chế khu vực như ASEAN nhưng nhấn mạnh tính cộng hưởng và cụ thể hóa việc kết nối nhằm tạo ra năng lực tập thể ở khu vực và dựa trên nòng cốt là các liên minh Mỹ, Nhật, Úc, Hàn, nhóm QUAD (gồm Mỹ, Nhật, Ấn, Úc) và thỏa thuận AUKUS (gồm Anh, Mỹ, Úc).

Thứ ba, chiến lược này chủ trương kết nối giữa AĐD - TBD và châu Âu - Đại Tây Dương nhằm tranh thủ sự kết nối của EU và các nước châu Âu với khu vực AĐD - TBD.

Thứ tư, đề xuất việc tranh thủ Quốc hội Mỹ về tăng cường nguồn lực cho thực thi chiến lược, trong đó có việc gia tăng hiện diện và đầu tư của Mỹ ở khu vực, triển khai Sáng kiến an ninh hàng hải và Sáng kiến răn đe Thái Bình Dương.

Thứ năm là định hướng mới về cạnh tranh và quản trị cạnh tranh Mỹ - Trung, đó là cạnh tranh nhưng vẫn có hợp tác và tránh rủi ro xung đột thông qua việc thiết lập môi trường địa chiến lược buộc Trung Quốc phải thay đổi lựa chọn hành vi. Dự kiến Mỹ sẽ còn phải đưa ra Chiến lược an ninh quốc gia mới, khi đó vấn đề cạnh tranh Mỹ - Trung sẽ được nêu đầy đủ và cụ thể hơn.

* Trước đây chiến lược AĐD - TBD thiên về yếu tố an ninh mà vẫn thiếu trụ cột kinh tế do Mỹ rút khỏi TPP (nay là CP-TPP). Lần này trong 5 trụ cột có điểm 3 là Thịnh vượng. Ông đánh giá thế nào về điểm mới này?

Description: https://www.avoadsservices.com/adserver/www/delivery/lg.php?bannerid=109&campaignid=38&zoneid=19&loc=https%3A%2F%2Ftuoitre.vn%2F&cb=7ca589a99d

- Cần nhắc lại là chiến lược lần này khá tổng thể và toàn diện, không chỉ tập trung về an ninh mà còn bao gồm các mặt khác, trong đó kinh tế được coi là một trụ cột chủ chốt.

Hiện chiến lược mới chỉ nêu các thành tố chính như khung quản trị, hợp tác kinh tế, thương mại số, luân chuyển dữ liệu số xuyên biên giới; thúc đẩy thương mại tự do, công bằng và dựa trên tiêu chuẩn cao về lao động và môi trường, kinh tế thị trường; bảo đảm chuỗi cung ứng mang tính bền vững; xây dựng chuẩn mực và bảo đảm tính tin cậy về các công nghệ mới và thiết yếu; kinh tế dựa trên biến đổi khí hậu và năng lượng sạch.

Trong khi Mỹ hiện không có chỉ dấu nào về việc trở lại CP-TPP thì đây mới chỉ là điểm khởi đầu và chắc chắn sẽ còn phải được cụ thể hóa bằng các sáng kiến, dự án khả thi vốn là điều mà Mỹ lâu nay vẫn thiếu. Hy vọng sắp tới Mỹ sẽ đưa ra khung chiến lược kinh tế AĐD - TBD có thể đáp ứng được yêu cầu này.

Nếu biết khai thác, cơ hội sẽ nhiều hơn

* Trong tổng quan chiến lược lần này, Việt Nam và ASEAN có vai trò quan trọng thế nào trong quan hệ với Mỹ?

- Chắc chắn là quan trọng, vì Mỹ cần và không thể thiếu địa bàn chiến lược Đông Nam Á và ASEAN.

Về Đông Nam Á, chiến lược nhấn mạnh ủng hộ một ASEAN tăng cường năng lực và thống nhất, coi Việt Nam, Indonesia, Singapore và Malaysia là các đối tác hàng đầu bên cạnh hai đồng minh là Philippines, Thái Lan.

Vai trò của ASEAN và Việt Nam thể hiện phù hợp cả trên 5 trụ cột chiến lược, bao gồm cả về trật tự dựa trên luật lệ, trật tự trên biển cũng như hợp tác về kinh tế, thương mại, chuỗi cung ứng hay ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống. Nhưng ASEAN cũng cần chú ý về bối cảnh cạnh tranh nước lớn và sự gia tăng các cơ chế khác ở khu vực.

* Từ khung chiến lược mới này, theo ông, Việt Nam có thể tận dụng những gì trong thời gian tới, đặc biệt là hợp tác kinh tế sau dịch?

- Chắc chắn có cả cơ hội và thách thức, nhưng nếu biết khai thác, cơ hội sẽ nhiều hơn. Đương nhiên cạnh tranh nước lớn, cạnh tranh Mỹ - Trung sẽ đặt ra thách thức về rủi ro bất ổn hay liệu có bị kẹt về hợp tác hoặc rơi vào bẫy chọn bên hay không. Nhưng cạnh tranh nước lớn, khác với xung đột, sẽ tái lập cân bằng quyền lực ở khu vực và các nước này đều cần tranh thủ các nước khác trong đó có Đông Nam Á, ASEAN và Việt Nam.

Về địa chiến lược, nhìn chung các đối tác và khu vực đều coi trọng Việt Nam. Đây là mặt thuận lợi cho tiếp tục đẩy mạnh chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng và đa phương hóa, hội nhập quốc tế, phục vụ lợi ích quốc gia của ta.

Các nước và khu vực cũng sẽ tiếp tục nhấn mạnh hơn yêu cầu về củng cố trật tự dựa trên luật lệ, bao gồm cả trật tự dựa trên luật lệ trên biển và ở Biển Đông, về chủ nghĩa đa phương, hay về quyền lựa chọn của các nước và bác bỏ các hành vi áp đặt, cường quyền. Đó là điều có lợi cho khu vực cũng như với Việt Nam.

Về kinh tế, chắc chắn sẽ có những cơ hội mới cho việc mở rộng, đa dạng hóa thị trường và các chuỗi cung ứng, đặc biệt là tranh thủ các hợp tác và chuỗi sản xuất, cung ứng chất lượng cao và bền vững về kinh tế số, công nghệ cao, kinh tế xanh... Đó là điều cần chuẩn bị và tranh thủ.

Đồng thời cũng cần nghiên cứu và tính việc tranh thủ về các đề xuất khác, như hợp tác tăng cường năng lực hàng hải, chấp pháp trên biển, an ninh nguồn nước, hay về khả năng hợp tác theo công thức QUAD + và giữa QUAD với ASEAN, về các lĩnh vực phù hợp như biến đổi khí hậu, công nghệ, vắc xin, chuỗi cung ứng..., qua đó vừa tranh thủ thêm nguồn lực vừa góp phần củng cố vai trò trung tâm của ASEAN.

Trả lời báo giới chiều 17-2 về sáng kiến AĐD - TBD Mỹ mới công bố, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết Việt Nam mong muốn các sáng kiến hợp tác ở AĐD - TBD góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực, tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của tất cả các nước, đảm bảo vai trò trung tâm của ASEAN.

LAN HƯƠNG thực hiện

Nguồn: https://tuoitre.vn/viet-nam-va-asean-trong-chien-luoc-an-do-duong-thai-binh-duong-cua-my-20220218083303189.htm

Nguồn:

Cùng chuyên mục