Với tư cách là nhà lãnh đạo G-20, Ấn Độ phải bảo vệ lợi ích của các quốc gia đang phát triển
New Delhi nên đưa các tiêu chuẩn sản phẩm và chia sẻ công nghệ sạch vào chương trình nghị sự
Khi Indonesia chuẩn bị tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Bali vào tháng này, Ấn Độ đang chờ đợi để đảm nhiệm vị trí chủ tịch lần đầu tiên kể từ khi G-20 được thành lập vào năm 1999.
Sự kiện lịch sử này diễn ra vào thời điểm các nước đang phát triển ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc định hình trật tự thế giới.
G-20 ngày nay đại diện cho gần 85% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu và 60% dân số thế giới, cũng như 3/4 tổng thương mại. Để mở rộng đầu vào từ các nước đang phát triển, Ấn Độ có kế hoạch mời Bangladesh, Ai Cập, Mauritius, Nigeria và Oman, cũng như một số quốc gia phát triển khác như Singapore, tham gia các cuộc thảo luận của G-20 vào năm tới.
New Delhi dự định lấy "Tâm hồn của Ấn Độ" (Soul of India) trở thành chủ đề chính trong nhiệm kỳ chủ tịch của mình và nhiều cuộc họp G-20 sẽ được triệu tập tại quốc gia này trong năm tới sẽ tạo cơ hội tốt cho ngành du lịch phát triển vào thời điểm mà nền kinh tế toàn cầu đang trên đà phục hồi. Đây sẽ là cơ hội để giới thiệu di sản phong phú của quốc gia.
Nhưng điều quan trọng hơn là, nhiệm kỳ chủ tịch sẽ là thời điểm để Ấn Độ thể hiện vai trò lãnh đạo khi thay mặt cho bán cầu Nam trong việc đưa ra các vấn đề đòi hỏi sự quan tâm ngay lập tức.
Tuy thương mại và đầu tư từ lâu đã là một lĩnh vực thảo luận của G-20, nhưng Ấn Độ có thể tập trung vào việc đưa ra cách tiếp cận nhằm cải thiện tính tương thích của các tiêu chuẩn và quy định kỹ thuật giữa các nước phát triển và đang phát triển. Trong khi việc tuân thủ các tiêu chuẩn thường là tự nguyện, các quy định kỹ thuật về bản chất là bắt buộc và cả hai quy định này đôi khi được triển khai như một rào cản đối với hàng nhập khẩu thậm chí còn lớn hơn cả thuế quan.
Nhóm G-7 đóng góp khoảng 28% kim ngạch xuất khẩu toàn cầu. Ấn Độ có thể giúp các nước đang phát triển tham gia vào thương mại toàn cầu trên cơ sở bình đẳng hơn bằng cách khuyến khích cách tiếp cận hài hòa và bền vững đối với các tiêu chuẩn và quy định, bao gồm các vấn đề như ghi nhãn sản phẩm, thử nghiệm và an toàn. Các chính sách chứng nhận và các vấn đề mới như lượng khí thải carbon của pin, nền kinh tế tuần hoàn và quản lý chất thải nhựa cũng nên là một phần của cuộc thảo luận.
Cùng với toàn cầu hóa và kỹ thuật số hóa ngày càng gắn chặt và đan xen với nhau hơn bao giờ hết, các chuỗi giá trị toàn cầu về lĩnh vực dịch vụ ngày càng trở nên quan trọng.
Các hạn chế đối với sự tham gia ở nước ngoài hoặc các loại hình dịch vụ có sẵn trên thị trường, hoặc các yêu cầu thiết lập hiện diện thương mại địa phương, là những ví dụ về các rào cản hiện tại đối với thương mại trong lĩnh vực này. Các vấn đề liên quan đến luồng dữ liệu, chẳng hạn như yêu cầu lưu trữ dữ liệu cục bộ và kết nối kỹ thuật số xuyên biên giới đều là những vấn đề phức tạp bổ sung. G20 có thể giúp giải quyết các vấn đề như vậy trong công nghệ truyền thông.
Một lĩnh vực khác cần được quan tâm là tiền điện tử. Điều quan trọng là các thành viên G-20 phải cân nhắc và đi đến một số đồng thuận về một khuôn khổ chung để giải quyết các vấn đề tiền điện tử, do tác động của sự biến động của loại tài sản này.
Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ gần đây đã nhấn mạnh những hậu quả tiêu cực của tiền điện tử đối với lĩnh vực tài chính như một phần ý tưởng về kế hoạch giới thiệu một loại tiền kỹ thuật số quốc gia. Các nước phát triển cho đến nay đã tập trung nhiều hơn vào việc thiết lập các tiêu chuẩn xung quanh các rủi ro như trốn thuế và trừng phạt hoặc các hoạt động bất hợp pháp khác.
Giảm thiểu phát thải khí nhà kính để kiểm soát biến đổi khí hậu nên là một lĩnh vực ưu tiên khác khi các nền kinh tế phát triển và đang phát triển chủ chốt tập hợp dưới khuôn khổ G-20. Với mức phát thải bình quân đầu người thấp nhất trong số các thành viên của nhóm, Ấn Độ phù hợp để thu hút sự chú ý đến tác động của biến đổi khí hậu trên dãy Himalaya. Các sông băng tan chảy, điều kiện thời tiết thất thường và lượng mưa thay đổi đang gây nguy hiểm cho cuộc sống và sinh kế của tất cả mọi người ở khu vực Nam Á.
Như mọi người đã biết rằng, các nước phát triển đã có những tiến bộ đáng kể trong công nghệ sạch. Những sáng tạo đổi mới như vậy nên được chia sẻ thông qua chuyển giao và phát triển chung với các nước đang phát triển với chi phí phù hợp với lợi ích lớn hơn của nền kinh tế toàn cầu. Ấn Độ, trong thời gian làm chủ tịch của G-20, nên vận động hỗ trợ ưu đãi và chuyển giao kiến thức.
New Delhi cũng nên chuyển hướng chú ý của G-20 sang việc xem xét lại và phục hồi hoạt động của các thể chế đa phương toàn cầu khác, đặc biệt là tổ chức Thương mại Thế giới. Những cơ chế như vậy có khả năng đóng vai trò tích cực trong tương lai chỉ khi bá quyền của quá khứ không còn ám ảnh trong hiện tại, và tất cả các quốc gia liên quan cùng đồng tâm hiệp lực đi cùng với sự thay đổi của thời đại.
Cần lưu ý rằng, trong hội nghị thượng đỉnh trực tuyến G-20 do Ả Rập Xê-út tổ chức vào năm 2020, nhóm đã nhất trí xem xét lại các nguyên tắc cơ bản của hệ thống thương mại đa phương để giúp thúc đẩy cải cách tại WTO, nhưng không đạt được tiến bộ nào. Hy vọng rằng Ấn Độ có thể tập hợp các thành viên khác của G-20 lại với nhau để đạt được bước đột phá.
Ấn Độ và các nước tham gia G-20 đều là thành viên của nhiều diễn đàn khác như G-7, BRICS, Quad và IPEFP. Đối với New Delhi, đây phải là một cơ hội để mang lại yếu tố đồng thuận về các vấn đề có lợi ích kết nối trên toàn cầu.
Tính đồng bộ cao hơn có thể giúp thúc đẩy các ưu tiên chung của các nền kinh tế phát triển và đang phát triển trong bối cảnh trật tự thế giới đang thay đổi. Vì Ấn Độ, một thành viên quan trọng của Nam bán cầu, sẽ giữ vai trò chủ tịch G-20, một câu chuyện được biên soạn kỹ lưỡng từ New Delhi có thể đóng vai trò như một khuôn mẫu cho các cuộc thảo luận về các vấn đề toàn cầu quan trọng trong diễn đàn trong những năm tới.
Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ
Nguồn:
https://asia.nikkei.com/Opinion/As-G-20-leader-India-must-champion-developing-nations-interests- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục