Xử lý những tình huống của trí tuệ nhân tạo (Phần 1)
Làn sóng AI và Khả năng tăng trưởng
Dữ liệu là loại vàng mới và làn sóng Trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ lớn hơn theo cấp số nhân so với làn sóng Công nghệ thông tin (CNTT). Làn sóng AI dự kiến sẽ tạo ra thêm giá trị kinh tế trị giá 15,7 nghìn tỷ USD vào năm 2035. [1] Điều này có ý nghĩa to lớn đối với sự thay đổi công nghệ, đổi mới xã hội và đổi mới kinh tế; và chúng ta đang sẵn sàng đi tắt đón đầu từ nền kinh tế tri thức sang nền kinh tế vô hình và thông minh, được gọi là nền kinh tế trải nghiệm.
AI thường được nói đến là khả năng máy móc thực hiện các tác vụ như suy nghĩ, nhận thức, học hỏi, giải quyết vấn đề và ra quyết định. Khả năng này đưa công nghệ AI trở thành cốt lõi dẫn đến Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4IR). [2]
Ban đầu, AI được tuyên truyền là loại công nghệ có thể bắt chước trí thông minh của con người. Hiện nay, AI đã phát triển theo những cách vượt xa ý tưởng ban đầu và được áp dụng trong nhiều lĩnh vực. Với những tiến bộ vượt bậc trong thu thập dữ liệu, xử lý, gắn thẻ và sức mạnh tính toán không giới hạn, các hệ thống AI giờ đây có thể được triển khai để đảm nhận nhiều nhiệm vụ có hoặc không có sự quản lý trực tiếp của con người, cho phép kết nối và nâng cao năng suất. Khả năng của AI đã mở rộng đáng kể trong nhiều năm qua theo nhiều đợt và do đó, tiện ích của nó trong một số lĩnh vực ngày càng gia tăng.
Làn sóng AI (kết hợp giữa AI, Robotics, 5G và công nghệ lượng tử) với sự đổi mới công nghệ nhanh chóng sẽ xảy ra cùng với đổi mới trong mô hình kinh doanh (nền kinh tế trải nghiệm dựa trên kỹ thuật số vô hình). Hiệu ứng phái sinh của những công nghệ đang phát triển theo cấp số nhân này với những đổi mới trong mô hình kinh doanh cuối cùng sẽ tạo ra một hệ sinh thái gồm những người tiêu dùng nhiệt tình tham gia nền kinh tế dựa trên trải nghiệm kỹ thuật số. Một trường hợp điển hình là Alexa của Amazon, tạo ra trải nghiệm kỹ thuật số thông qua trợ lý ảo thông minh cung cấp trải nghiệm được cá nhân hóa trong bất kỳ việc gì chúng ta làm, có thể là mua sắm, du lịch, ăn uống, xem phim, v.v.
Thị trường chứng khoán toàn cầu đang chứng kiến sự thay đổi này rất rõ ràng, và đang tăng tốc rất nhanh trong COVID-19 với 90% giá trị ở dạng vô hình, thông minh. [3] Điều quan trọng là phải tìm hiểu được những tác động này một cách toàn diện và rõ ràng. Tờ báo Wall Street Journal đã xuất bản bài báo [4] về cách các công ty công nghệ lớn trở nên càng lớn hơn trong COVID-19, tích lũy được gần 8 nghìn tỷ USD giá trị thị trường, trong khi các công ty phi kỹ thuật số phải vật lộn để đối phó với đại dịch.
Trong tương lai gần, ứng dụng AI trong nền kinh tế kỹ thuật số sẽ bắt đầu gặt hái những lợi ích vô cùng phong phú và mang lại lợi thế lớn về chi phí lao động và tiết kiệm thời gian. AI sẽ thâm nhập rộng và sâu hơn nhờ các quy trình AI và học máy (ML), trong đó máy móc ngày càng học hỏi và cải thiện hiệu suất theo thời gian, do đó sẽ có nhiều đầu tư hơn về vốn và nhân tài cho AI. Vòng lặp nhanh chóng này sẽ tạo ra sự tăng trưởng lớn cho các công ty và quốc gia nào làm chủ làn sóng AI, và do bản chất tác động tích lũy của AI, nó có thể làm phát sinh độc quyền lớn, trừ khi chúng ta có thể tạo ra hệ sinh thái đổi mới toàn diện với quản trị mạnh mẽ và trách nhiệm giải trình trong lĩnh vực AI ở quy mô toàn cầu.
Các xu hướng và thách thức mới
Trong khi làn sóng AI đang thu hút vốn và nhân tài, các nhà hoạch định chính sách sẽ khó khám phá và theo đuổi tăng trưởng công bằng và bao trùm cho không chỉ các nước phát triển mà còn cho các nước đang phát triển như Ấn Độ. Có những xu hướng chính quan trọng như sau trong đổi mới công nghệ và mô hình kinh doanh để các nhà hoạch định chính sách lưu ý và hành động.
Kỷ nguyên thay đổi siêu tốc
Trong hai làn sóng Internet và di động trước đây, sự thay đổi công nghệ đi trước kéo theo sự thay đổi mô hình kinh doanh. Làn sóng AI chứng kiến việc đổi mới công nghệ và đổi mới mô hình kinh doanh diễn ra đồng thời. Gần một thập kỷ sau khi có công nghệ Internet, chúng ta chứng kiến sự trỗi dậy của thương mại điện tử. Việc sử dụng thiết bị di động cũng diễn ra theo mô hình như thế. Những đổi mới trong mô hình kinh doanh của nền kinh tế dựa trên định vị thiết bị di động diễn ra sau khi công nghệ di động đã phát triển một thời gian. Tuy nhiên, đối với thời đại AI thì khác. Thay đổi công nghệ diễn ra nhanh chóng và đang đồng hành cùng với các đổi mới trong mô hình kinh doanh. Ví dụ, sự đổi mới trong ô tô không người lái cùng với các mô hình kinh doanh gọi xe có thể báo hiệu một sự thay đổi lớn về khả năng di động. Điều này sẽ dẫn đến kỷ nguyên siêu tốc, nhiều ngành dọc sẽ nhanh chóng bị đứt gãy do tốc độ đổi mới và áp dụng công nghệ nhanh hơn nhiều. Mô hình kinh doanh “Tài nguyên như một dịch vụ” [6] (RaaS), trong đó người tiêu dùng được thay đổi dựa trên việc sử dụng tính năng hoặc hệ thống AI hoặc các bot - một phiên bản phát triển của mô hình “Phần mềm như một dịch vụ” (Saas) - sẽ không chỉ thay đổi cách con người thanh toán cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe, dịch vụ tài chính hoặc di chuyển, mà còn thúc đẩy sự khác biệt trong mức độ chấp nhận mô hình mới ở các khu vực khác nhau trên thế giới. Ví dụ: bạn có thể trả tiền cho một ca phẫu thuật đầu gối do rô-bốt làm bác sĩ phẫu thuật, dựa trên số dặm bạn sẽ đi bộ trong tương lai sau khi phẫu thuật. Mặc dù nó có thể làm cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe dễ tiếp cận hơn và giá cả phải chăng ngay cả ở những nơi xa nhất, nhưng nó sẽ có tác động sâu sắc đến hệ thống chăm sóc sức khỏe mà hầu hết các quốc gia đang có hiện nay. Nó sẽ buộc hầu hết các quốc gia phải áp dụng mô hình lấy bệnh nhân làm trung tâm. Hệ thống quản trị của chúng ta, từ quy định đến chính sách, cũng phải phản ánh những động lực này được thúc đẩy bởi tốc độ nhanh chóng của các đổi mới AI. Tất cả chúng ta đều mắc phải những thành kiến của con người, tuy nhiên, công nghệ như AI có khả năng nhân rộng những thành kiến này lên nhiều lần và nhanh hơn nhiều, do công nghệ lặp đi lặp lại và các vòng lặp trong mô hình kinh doanh. Điều này đặt ra thách thức đối với xã hội chúng ta, đòi hỏi chúng ta phải thích ứng với tốc độ thay đổi và lỗi thời nhanh hơn nhiều, và chúng ta phải tạo ra hệ thống AI được quản lý tốt, có trách nhiệm cùng với hệ sinh thái đổi mới. Hơn nữa, vòng lặp siêu tốc có khả năng tạo ra sự rạn nứt rộng hơn giữa những nơi có AI và không có AI trong một khoảng thời gian rất ngắn. Do vậy, chúng ta cần tạo ra mô hình giúp lan tỏa thành quả của những đổi mới AI một cách đồng đều hơn.
Chú thích ảnh: Giá trị thị trường của năm cổ phiếu công nghệ lớn nhất của Mỹ năm 2020, theo tháng [5]
Chú thích:
1. PWC, “PwC’s Artificial Intelligence services”, PWC, https://www.pwc.com/us/en/services/ consulting/analytics/artificial-intelligence.html
2. Klaus Schwab, “The Fourth Industrial Revolution: what it means, how to respond”, World Economic Forum, January 14, 2016, https://www.weforum.org/agenda/2016/01/the-fourthindustrial-revolution-what-it-means-and-how-to-respond/
3. Aran Ali, “The Soaring Value of Intangible Assets in the S&P 500”, Visual Capitalist, 12/12/2020, https://www.visualcapitalist.com/the-soaring-value-of-intangibleassets-in-the-sp-500/
4. The Wall Street Journal, “How Big Tech Got Even Bigger”, The Wall Street Journal, 6/2/2021, https://www.wsj.com/articles/how-big-tech-got-evenbigger-11612587632
5. The Wall Street Journal, “How Big Tech Got Even Bigger”
6. Jessica Twentyman and Chris Middleton, “Manufacturing: How Robotics as a Service extends to whole factories”, Internet of Business, https://internetofbusiness.com/howrobotics-as-a-service-is-extending-to-whole-factories-analysis/
Tác giả: Umakant Soni, Đồng sáng lập & CEO ArtPark (AI & Robotics Technilogy Park), Ấn Độ
Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ
Nguồn: https://www.orfonline.org/wp-content/uploads/2021/10/Regulating-Cyberspace.pdf
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục