Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Yếu tố Modi trong mối quan hệ Ấn Độ-Bangladesh

Yếu tố Modi trong mối quan hệ Ấn Độ-Bangladesh

Bài viết này phân tích những yếu tố tác động tới mối quan hệ Ấn Độ-Bangladesh, đặc biệt là dưới sự chỉ đạo và quản lý mang đậm dấu ấn cá nhân của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi kể từ khi ông lên nắm quyền vào năm 2014 với đa số phiếu chấm dứt giai đoạn liên minh lỏng lẻo giữa nhiều đảng phái trước đó.

05:59 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Từ năm 2014-2015 trở đi, chính sách đối ngoại của Ấn Độ bắt đầu bước vào thời kỳ mới mẻ đầy tự tin, thể hiện rõ ràng bằng việc tất cả các nhà lãnh đạo của các quốc gia khối SAARC (Hiệp hội Nam Á vì sự Hợp tác Khu vực ) tới lễ nhậm chức của ông Modi. Bản thân Thủ tướng Ấn Độ Modi đã đưa ra lời tuyên bố rằng, ưu tiên của ông trước hết là hướng tới các nước láng giềng. Tuyên bố đó khơi dậy tinh thần lạc quan mới rằng, có lẽ những vấn đề lớn còn tồn tại ở Nam Á sẽ sớm được giải quyết.

Thỏa thuận biên giới trên bộ (LBA) là dấu mốc quan trọng đầu tiên trong nhiệm kỳ của ông Modi. Vấn đề biên giới trên bộ vẫn chưa được giải quyết trong hơn sáu thập kỷ sau khi Ấn Độ giành độc lập. Nhưng Modi đã làm được điều đó bằng cách kết hợp hai bên lại với nhau. LBA giống như mở ra một chương mới trong quan hệ Ấn Độ với Bangladesh. Ấn Độ và Bangladesh cùng đồng ý trao đổi về một loạt các khu vực trước đây vẫn bị coi là vấn đề nan giải, tạo nên cuộc chiến giằng co lẫn nhau giữa Ấn Độ và Chính phủ Đông Pakistan, sau này là Bangladesh. Phía Ấn Độ cho thấy sự linh hoạt và hy sinh nhiều đất hơn so với nước láng giềng nhỏ hơn để đạt được thỏa thuận lịch sử, trong đó công lao rõ ràng thuộc về nhà lãnh đạo Modi.

Thứ hai, nếu có bất cứ điều gì nổi bật trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ được sửa đổi kể từ năm 2014 thì đó là đòn đẩy khác biệt đối với tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng của khu vực thông qua phát triển cơ sở hạ tầng và kết nối. Đây là chìa khóa thành công mà Ấn Độ tìm cách đạt được và chia sẻ lợi ích với các nước láng giềng như Bangladesh. Do đó, các sáng kiến ​​của Ấn Độ nhấn mạnh vào các khía cạnh khác nhau của kết nối thông qua các cảng biển, đường sắt và thậm chí thông qua các tuyến đường hàng không. Đồng thời, chúng tôi quan sát thấy rằng, ngay cả khi Ấn Độ trở nên mất niềm tin vào SAARC, sự nhiệt tình của Ấn Độ đối với khối BIMSTEC (Sáng kiến vùng Vịnh Bengal về hợp tác Kinh tế và Kỹ thuật), BBIN (sáng kiến Bangladesh, Bhutan, Ấn Độ, Nepal), BCIM (Hành lang Kinh tế Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ và Myanmar) và các diễn đàn đa phương tương tự, trong đó có Bangladesh. Rõ ràng là dưới thời Modi, Ấn Độ thực hiện chính sách hợp tác rất năng động với Bangladesh. Một mặt kết hợp quản lý biên giới theo nguyên tắc mà Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Jaishankar gần đây gọi là “biên giới không tội phạm-không chết chóc”. Mặt khác, mở ra viễn cảnh thực hiện một số dự án như Đặc khu kinh tế, Trạm kiểm soát tổng hợp, Liên kết đường sắt và hành lang vận tải hàng hóa.

Trong phát biểu gần đây của Tiến sĩ Dhrubajyoti Bhattacharjee thuộc ICWA (Hội đồng Các vấn đề thế giới của Ấn Độ) vào ngày 23 tháng 3 năm 2021, đã có tuyên bố rằng: “trong khi khánh thành cầu Maitri vào ngày 9 tháng 3 năm 2021, Thủ tướng Modi tuyên bố rằng, sự phát triển cơ sở hạ tầng mở ra nhiều cửa ngõ hơn cho vùng Đông Bắc Ấn Độ với phần còn lại của Ấn Độ qua Bangladesh”. Bên cạnh đó, hỗ trợ phát triển của Ấn Độ dành cho Bangladesh “để thực hiện các dự án phát triển trong giai đoạn 2014-2018 ở mức 4,5 tỷ USD”. Đây là những bước phát triển quan trọng trong bối cảnh Trung Quốc vẫn đang lấn lướt Ấn Độ.

Thứ ba, nếu Ấn Độ muốn thấy mối quan hệ với Bangladesh phát triển mạnh, Ấn Độ cần phải đồng cảm với nỗ lực bền bỉ của nước này để trong việc tận dụng thêm nguồn nước của các dòng sông. Đây là một vấn đề nghiêm trọng, một lần nữa, bị cho là do chính sách lấn át của Trung Quốc trong việc chuyển hướng dòng chảy của sông Brahmaputra bất chấp những quan ngại mà phía Ấn Độ đã chỉ rõ. Chúng ta cần phải tìm ra một giải pháp thân thiện để phân phối công bằng nguồn nước của sông Teesta, nơi được coi là huyết mạch ở phía bắc bang Tây Bengal. Cả hai bên cũng đang cố gắng đồng ý với các điều khoản đàm phán cho một cuộc họp của Ủy ban sông chung giữa hai nước.

Thứ tư, nếu phải chỉ ra vấn đề cụ thể gây ảnh hưởng xấu đến quan hệ Ấn Độ với Bangladesh thì đó chính là việc công dân Bangladesh xâm nhập trái phép vào Ấn Độ qua các đường biên giới mở. Một dòng người tị nạn như vậy bao gồm cả người nhập cư Hồi giáo Rohingya (từ Myanmar) có thể gây ra mối đe dọa cho an ninh quốc gia của Ấn Độ.

Thứ năm, Ấn Độ dưới thời Modi đã hỗ trợ rất lớn cho Bangladesh về vắc-xin ngừa Covid và quỹ Khẩn cấp SAARC của Ấn Độ cũng là minh chứng cho các động thái nhân đạo của Ấn Độ đối với Bangladesh. Khi làn sóng thứ hai của đại dịch Covid tấn công Ấn Độ và Bangladesh, Thủ tướng Ấn Độ Modi vẫn tới Bangladesh ngày 26/3/2021. Đây là chuyến công du nước ngoài lần đầu tiên sau khi Ấn Độ phong tỏa toàn quốc từ ngày 24 tháng 3 năm 2020. Chúng tôi thấy rằng, ngoài việc thực hiện các cam kết chính thức và tham dự lễ kỷ niệm ngày độc lập của đất nước Bangladesh và kỷ niệm 100 năm ngày sinh của chính trị gia, nhà lãnh đạo Bangabandhu Sheikh Mujibur Rehman của Bangladesh, trong chuyến công du này của Thủ tướng, Ấn Độ đã cung cấp nhiều liều Covishied cho Bangladesh.

Thứ sáu, trong khi bài phân tích này nhấn mạnh đến vai trò to lớn của ông Modi, chúng ta cũng cần xem xét dưới góc độ cuộc đấu tranh lịch sử ở Đông Pakistan. Nếu nghiên cứu sâu hơn, chúng ta sẽ thấy rằng cuộc đấu tranh ở Đông Bengal không bắt đầu như một phong trào dân tộc chủ nghĩa để giải phóng khỏi Pakistan. Thay vào đó, đó là sự liên kết lịch sử của các sự kiện vào cuối những năm 1960, lấy những phong trào xã hội ở Đông Bengal làm vũ khí chống chủ nghĩa đế quốc và các lực lượng vũ trang dưới chế độ ở Pakistan.

Tuy nhiên, ngày nay điều quan trọng không chỉ là làm sống lại ký ức lịch sử và chìm đắm trong hoài niệm mà hơn hết, cần tập trung vào phát triển Chuỗi giá trị khu vực (RVC) mà theo Sreeradha Datta, Pratim Ranjan Bose và Shaquib Quoreshi “sẽ mang lại sự thay đổi mang tính chuyển đổi trong mô hình thương mại và đầu tư khu vực” ở Nam Á. Theo ba tác giả trên, đây là thách thức hiện nay vì “thương mại nội khối ở Nam Á chưa đến 3%” và Covid đã gây khó khăn hơn trong việc ngăn đà suy thoái kinh tế. Để giải thích quan điểm này, ba học giả trên trích dẫn trường hợp của Ấn Độ, lưu ý rằng “Ấn Độ đã có thể tham gia một cách hạn chế vào chuỗi giá trị toàn cầu trong một số mặt hàng như đá quý và đồ trang sức, phụ tùng ô tô và dịch vụ nhưng chưa có thể phát triển bất kỳ Chuỗi giá trị khu vực nào trong nhiều sản phẩm. Tuy nhiên, trong mối quan hệ giữa Ấn Độ và Bangladesh, hợp tác từ chính phủ với chính phủ giữa Ấn Độ và Bangladesh đã phát triển mạnh mẽ ngay cả trong cuộc khủng hoảng Covid-19. Trên thực tế, một cơ sở vận tải đường thủy mới đã được khánh thành gần đây với Bangladesh kết nối nước này với bang Tripura ở Đông Bắc của Ấn Độ, nhưng sự gián đoạn trong thương mại biên giới giữa hai nước không thể tránh khỏi do cuộc khủng hoảng Covid-19”.

Tác giả: Tiến sĩ Gouri Sankar Nag, Trưởng phòng Khoa học Chính trị và Điều phối viên của Trung tâm Nghiên cứu Nam Á Atish Dipankar Srijnan, Đại học Sidho-Kanho-Birsha, Purulia, Tây Bengal.

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nguồn: https://chintan.indiafoundation.in/articles/modi-factor-in-india-bangladesh-relations/

Bấm vào đây để đọc bản tiếng Anh của bài viết này/Click here to read the English version of this article

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục