Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Hợp tác Ấn Độ, Việt Nam, ASEAN về an ninh công cộng và quốc phòng (Phần 2)

Hợp tác Ấn Độ, Việt Nam, ASEAN về an ninh công cộng và quốc phòng (Phần 2)

“Hợp tác quốc phòng với Việt Nam nằm trong số những quan hệ hợp tác quan trọng nhất của chúng ta. Ấn Độ vẫn cam kết với việc hiện đại hóa các lực lượng an ninh và quốc phòng của Việt Nam” – Thủ tướng Narendra Modi (tháng 10/2014)

05:30 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 1)

Điều được biết đến nhiều là Ấn Độ đã và đang cung cấp các phụ tùng thay thế cho một số trang thiết bị có xuất xứ từ Nga của Hải quân Việt Nam và cũng cung cấp khóa đào tạo cơ bản về những hoạt động của tàu ngầm. Chẳng hạn, Ấn Độ đã cung cấp phụ tùng thay thế cho tàu chiến lớp Petya và tàu tên lửa lớp OSA-II có xuất xứ từ Nga của Hải quân Việt Nam. Việt Nam đã mua ba phiên bản hiện đại của tàu ngầm lớp Kilo, tối tân hơn nhiều so với tàu mà Ấn Độ đã mua trong hai thập kỷ trước. Các thủy thủ Việt Nam đang được đào tạo về chiến tranh tàu ngầm hoặc “đào tạo chiến đấu dưới nước” tại Trường Tàu ngầm INS Satavahana của Hải quân Ấn Độ ở Visakhapatnam kể từ tháng 10/2003. Chương trình bao gồm đào tạo về học thuyết và chiến thuật trong chiến tranh tàu ngầm. Các tàu hải quân Ấn Độ đã thường xuyên thực hiện các chuyến thăm cảng ở Việt Nam và giương cờ để chứng tỏ quyền qua lại và quyền tự do hàng hải trong các vùng biển quốc tế. Cho đến nay lực lượng không quân Ấn Độ cũng có liên quan, cũng có những kế hoạch cung cấp khóa đào tạo cho phi công của lục lượng Phòng không Việt Nam để lái máy bay chiến đấu Sukhoi. Việc xây dựng năng lực cho các lực lượng vũ trang Việt Nam nhằm cải thiện môi trường an ninh là một trong những mục tiêu chính phải đạt được.

Nhằm dựa vào và tiếp tục nhịp điệu nhanh chóng của mối quan hệ an ninh và quốc phòng ngày càng tăng, Tư lệnh Marshall của lực lượng Không quân Ấn Độ (IAF), Arup Raha (cũng là Chủ tịch Ủy ban Tham mưu trưởng Ấn Độ) đã có mặt tại Hà Nội vào giữa tháng 9 để thảo luận về hợp tác quân sự với những người đồng cấp Việt Nam. Mặc dù an ninh biển là chủ đề chi phối trong các cơ chế hợp tác Ấn Độ - Việt Nam, nhưng chuyến thăm của ông Arup Raha đã phản ánh việc mở rộng nghị trình hợp tác chiến lược.

Khuôn khổ hợp tác rộng lớn trong một loạt các vấn đề an ninh công cộng quốc gia đã diễn ra trong vài năm qua. Đang có những sáng kiến nhằm tăng cường hợp tác trong chiến đấu chống khủng bố, buôn bán ma túy, tội phạm xuyên quốc gia, rửa tiền, các hoạt động tội phạm công nghệ cao và các hoạt động tội phạm khác. Huấn luyện các quan chức Việt Nam về điều tra rửa tiền, tội phạm kinh tế, tội phạm có tổ chức và buôn bán ma túy là những lĩnh vực khác trong các nỗ lực chung.

Việt Nam, Ấn Độ và Hợp tác đa phương ASEAN

Việt Nam và Ấn Độ đã và đang phối hợp các cách tiếp cận chính sách an ninh và đối ngoại của họ tại nhiều diễn đàn đa phương khác nhau và đặc biệt là ở ASEAN, ARF và EAS. Với việc Việt Nam được bổ nhiệm làm điều phối viên quan hệ ASEAN - Ấn Độ từ năm 2015 đến năm 2018, sự nổi bật của Ấn Độ trong mối quan hệ đa phương với tổ chức này sẽ tiếp tục tăng lên. Như đã đề cập trước đây, Việt Nam đóng một vai trò then chốt trong chính sách “Hướng Đông” và giờ đây là chính sách “Hành động phương Đông” của Ấn Độ.

Tháng 12/2012, Hội nghị Thượng đỉnh kỷ niệm 20 năm quan hệ đối thoại ASEAN - Ấn Độ được tổ chức tại New Delhi nhằm đánh dấu 2 thập kỷ đưa ra chính sách “Hướng Đông” của Ấn Độ. Các mối quan hệ thương mại gia tăng tương xứng với việc mở rộng mối quan hệ trong các lĩnh vực quốc phòng và an ninh; sự can dự chủ yếu về chính trị và kinh tế đã đạt được nội dung chiến lược trong những năm gần đây. Ấn Độ và các nước trong khu vực có chung nhiều mối đe dọa và thách thức, đặc biệt là trong các lĩnh vực an ninh không thông thường. Ấn Độ và các quốc gia Đông Nam Á đã và đang tăng cường mối quan hệ quốc phòng và an ninh ở cả cấp song phương lẫn đa phương để giải quyết những mối đe dọa như vậy. Hợp tác quốc phòng với các nước thành viên ASEAN chủ yếu hướng tới việc trao đổi các chuyến thăm cấp cao, những đối thoại chiến lược, những chuyến thăm cảng, trao đổi đào tạo, các cuộc tập trận chung và điều khoản về trang thiết bị quốc phòng.

Ở cấp độ đa phương, Nhật Bản cũng đã trở thành thành viên của Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN Mở rộng (ADMM+). Mục tiêu cơ bản của việc tạo ra khuôn khổ này là đem lại hợp tác an ninh, đặc biệt là trong các lĩnh vực giúp đỡ nhân đạo, cứu trợ thảm họa, an ninh hàng hải, chống khủng bố và các hoạt động giữ gìn hòa bình. ADMM+ cũng đề xuất đối thoại song phương và đa phương hơn nữa và chia sẻ chuyên môn giữa các lực lượng quân sự của các nước thành viên. Dàn xếp này cũng thúc đẩy những đề xuất nhằm chống lại các mối đe dọa và các vấn đề cụ thể như cướp biển và thiên tai thông qua các cuộc tập trận quân sự chung. Ấn Độ và Việt Nam đã tham gia các cuộc tập trận quân sự chung như vậy được thực hiện trong khuôn khổ ADMM+. Cho đến nay, các cuộc tập trận quân sự này đã được thực hiện trong các lĩnh vực giúp đỡ nhân đạo/ cứu trợ thảm họa, quân y, chống khủng bố và an ninh hàng hải bên cạnh Nhóm chuyên gia về các hoạt động gìn giữ hòa bình trong khuôn khổ ADMM+.

 Một đặc điểm đáng chú ý khác của kịch bản chiến lược đang nổi lên là sự cải thiện rất đáng kể của mối quan hệ Mỹ - Việt trong những năm gần đây. Chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng vào tháng 7 vừa qua đã dẫn tới việc thông qua Tuyên bố Tầm nhìn chung. Mỹ đã nhất trí hợp tác hạt nhân dân sự và nới lỏng giới hạn của Mỹ về bán vũ khí và tăng cường hợp tác trong các vấn đề khu vực và đa phương. Đầu tháng 6/2015, Tuyên bố Tầm nhìn chung về Quan hệ quốc phòng được ký kết, bao gồm các lĩnh vực hợp tác quốc phòng như an ninh hàng hải, tìm kiếm và cứu nạn, giúp đỡ nhân đạo và cứu trợ thảm họa và gìn giữ hòa bình. Là bước đi đầu tiên, Mỹ đã nhất trí cung cấp cho Hà Nội 18 triệu USD để mua sắm các tàu tuần tra cho Cảnh sát biển nhằm tăng cường an ninh hàng hải của nước này. Hợp tác về quốc phòng và an ninh có khả năng sẽ được nâng cấp hơn nữa với việc dỡ bỏ cấm vận về xuất khẩu vũ khí sát thương.

 Trong khi đó, Mỹ ngày càng ra mặt lên án cách tiếp cận của Trung Quốc đối với vấn đề gây nhiều tranh cãi ở Biển Đông. Trong Đối thoại Shangri La được tổ chức vào cuối tháng 5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Ashton Carter, đã nhấn mạnh rằng “Mỹ quan ngại sâu sắc về tốc độ và phạm vi của hoạt động cải tạo đất ở Biển Đông, viễn cảnh về quân sự hóa hơn nữa, cũng như tiềm năng của những hoạt động này sẽ làm gia tăng rủi ro của việc tính toán sai lầm hoặc xung đột giữa các bên tuyên bố chủ quyền”.

Tương tự, đã có sự phát triển lớn trong mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Nhật Bản. Tokyo đã cung cấp các tàu tuần tra nhằm nâng cao năng lực của Việt Nam về an ninh hàng hải. Các chính sách an ninh của nước này ở Biển Đông phù hợp với chính sách an ninh của Mỹ và Việt Nam. Kể từ khi Thủ tướng Shinzo Abe quay trở lại nắm quyền, ông đã nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược thành Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.

Con đường phía trước/ Những nhận xét kết luận

Ấn Độ, Việt Nam và các nước thành viên ASEAN đã ở trong quỹ đạo kinh tế đi lên và khi họ phát triển, môi trường an ninh và chiến lược cũng trở nên ngày càng phức tạp. Mặc dù những quốc gia này đã được hưởng lợi trong mối quan hệ kinh tế với Ấn Độ và Trung Quốc, nhưng họ vẫn thận trọng trước sự quyết đoán ngày càng tăng và xu hướng phục hồi lãnh thổ đã mất của Trung Quốc. Những nỗ lực của Ấn Độ trong hợp tác quốc phòng với cả Việt Nam lẫn các nước thành viên ASEAN với tư cách một phần trong những nỗ lực đa phương và song phương cũng nhằm mục đích giải quyết chính những mối quan ngại chiến lược của họ ở cả ven Ấn Độ Dương lẫn Biển Đông.

Cả Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao đều cần phải phối hợp những nỗ lực của họ nhằm bổ sung thực chất có ý nghĩa cho mối quan hệ quốc phòng và an ninh ngày càng tăng với các nước thành viên ASEAN với tư cách là một phần trong một nỗ lực phức hợp nhằm đạt được thành công trong các mục tiêu chiến lược của chính sách “Hướng Đông” mà giờ đây là chính sách “hành động phương Đông” của nước này. Bộ Quốc phòng cũng cần tạo điều kiện cho các quan chức quốc phòng của các nước Đông Nam Á được đào tạo tại bộ máy quốc phòng của chúng ta. Việc thường xuyên tập trận quân sự chung cũng cần phải được tăng cường nhằm cải thiện các mức độ phối hợp tác chiến. Cũng có lý lẽ ủng hộ việc xem xét lại các chính sách hạn chế của chúng ta đối với xuất khẩu vũ khí phòng thủ sang các nước Đông Nam Á.

 Không có lý do nào giải thích tại sao không cần phải có quan hệ hợp tác ba bên giữa Ấn Độ, Việt Nam và Mỹ hoặc một sự hợp tác ba bên giữa Nhật Bản, Ấn Độ và Việt Nam về vấn đề này dưới cùng một hình thức và cơ sở như mối quan hệ ba bên đang tồn tại giữa Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản. Các mối quan hệ đa khía cạnh của Ấn Độ với Việt Nam sẵn sàng có được ảnh hưởng lớn hơn về chiến lược và kinh tế. Hợp tác hiện tại về các dự án khai thác dầu mỏ và khí đốt, đầu tư, xây dựng và phát triển năng lực, đặc biệt là trong quốc phòng và an ninh, cần phải được đa dạng hóa.

 Ấn Độ và Việt Nam cần phải thăm dò các cơ hội nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác. Cả hai bên đều tham khảo ý kiến của nhau về các vấn đề toàn cầu, khu vực và song phương nhằm có được cách tiếp cận chung và có phối hợp.

 Về mặt song phương, Ấn Độ cần phải làm nhiều hơn để giúp Việt Nam tăng cường an ninh hàng hải bằng việc nâng cấp các cơ sở hải quân và xây dựng phòng không. Việt Nam và Ấn Độ có thể có những bước đi kịp thời và thích hợp nhằm hợp tác trong nghiên cứu phòng thủ chung, thiết kế, phát triển và sản xuất các trang thiết bị quân sự, bao gồm việc chuyển giao công nghệ vũ khí và các trang thiết bị quốc phòng. Chính phủ Ấn Độ và Việt Nam phải là tác nhân tạo điều kiện cho việc thúc đẩy đầu tư nước ngoài mặc dù nhiệm vụ này buộc phải nghiên cứu và thúc đẩy những dự án này trong khoảng thời gian lên kế hoạch.

Ở khu vực, quyền tự do hàng hải ở Biển Đông và an ninh kinh tế ở Biển Đông có thể được ASEAN thể chế hóa thành Bộ Quy tắc ứng xử với sự giúp đỡ của Mỹ, Nhật Bản và các nước lớn khác trong khu vực. Việt Nam và Ấn Độ có thể khảo sát việc đấu thầu dầu lửa ở nước thứ ba.

Trên phạm vi toàn cầu, Ấn Độ và Việt Nam có thể hợp tác trong các vấn đề an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, chủ nghĩa khủng bố, giúp đỡ nhân đạo và cứu trợ thảm họa (HA/DR)./.

(Theo Vivekananda International Foundation, )

 

Nguồn:

Cùng chuyên mục